Đẩy mạnh tuyên truyền công tác dân số tại những vùng khó

15:28, 09/06/2021

Thái Nguyên có 178 xã, phường, trong đó có 72 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Khoảng 10 năm về trước, phần lớn các địa phương này đều có các xóm, bản có mức sinh tương đối cao, nhất là ở các địa bàn của các xã có đông đồng bào dân tộc Dao, Mông, Nùng… sinh sống như Vũ Chấn, Cúc Đường, Sảng Mộc (Võ Nhai); một số khu vực thuộc vùng Tứ Tân (Phú Bình)… Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, nhờ thực hiện có hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, nhận thức của người dân về công tác dân số đã được nâng lên.

Chị Lý Thị Ló, một người dân ở bản người Mông Lân Đăm, Quang Sơn (Đồng Hỷ) nói: Đời bố, mẹ của mình sinh nhiều con nên cuộc sống rất vất vả. Bởi thế, khi được cán bộ hướng dẫn các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, vợ chồng mình đã áp dụng và chỉ sinh hai con. Hiện nay, kinh tế gia đình ổn định, các con đều được đến trường.

Nhận thức của chị Ló và rất nhiều phụ nữ vùng cao đã được nâng lên là bởi công tác tuyên truyền vận động thay đổi hành vi về dân số và sức khỏe sinh sản ở miền núi, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh đã được triển khai đồng bộ, sâu rộng. Theo đó, các hoạt động truyền thông đã được lồng ghép vào hoạt động của Đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể cũng như huy động sự tham gia tích cực của các cơ quan thông tin đại chúng thực hiện truyền thông, cổ động, cấp phát tài liệu ấn phẩm truyền thông, tờ rơi về dân số - kế hoạch hóa gia đình cho các đối tượng đã được thực hiện hiệu quả. Nhất là hoạt động tuyên truyền tại các xóm, bản, chú trọng cung cấp thông tin đến người dân, tới các đối tượng phụ nữ trọng độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên, thanh niên, nam giới ở những vùng đặc biệt khó khăn đã được đẩy mạnh.

Trung bình, mỗi năm, tỉnh tổ chức 2 đợt chiến dịch truyền thông tại các xã vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn với hàng nghìn lượt người tham gia. Qua đó đã nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của người dân vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Minh chứng rõ nét nhất là năm 2020, tổng số trẻ em sinh ra là trên 17,9 nghìn trẻ; tỷ suất sinh thô năm 2020 đạt 14,08‰ , giảm 0,28‰ so với năm 2019. Theo đó, kết quả thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại, kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh đạt 101,6% kế hoạch giao; 91,6% số bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh, vượt chỉ tiêu hơn 16%.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng trên thực tế, công tác dân số ở những vùng khó, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, xa vẫn còn hạn chế khi số cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trở lên đang có xu hướng tăng (năm 2020 có 2.609 trẻ),  tỷ lệ sinh con thứ 3 là 14,5%, cao hơn so với năm trước là 1,2%.

Bà Hồ Thị Thanh Thủy, Chi cục Trưởng Chi cục Dân số, KHHGĐ cho hay: Để nâng hơn nữa nhận thức của người dân về công tác dân số; từ đó tiếp tục giảm mức sinh tại các xã vùng cao, nâng cao chất lượng dân số. Đồng thời, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu dân số. Đặc biệt là tăng cường kiểm soát duy trì cân bằng giới tính khi sinh, vận động người dân không kết hôn, sinh con quá sớm, sinh nhiều con và quá dày… góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…, năm 2021, tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình tại vùng có mức sinh cao. Đợt 1 của chiến dịch đã kết thúc vào ngày 30-4. Dự kiến đợt 2 sẽ kết thúc vào ngày 30-11.

Trong đó, tập trung tăng cường hoạt động truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; thực hiện cung cấp thông tin về chiến dịch thông qua các hình thức truyền thông hiện đại như qua internet, trang tin điện tử, mạng xã hội, điện thoại di động và các phương tiện truyền tin khác như băng zôn, áp phích…; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, truyền thông trực tiếp cung cấp thông tin về nội dung tuyên truyền tại các xóm, bản…

Cùng với đó là đẩy mạnh truyền thông các chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ tại các vùng khó khăn; các mô hình và dịch vụ tư vấn trực tiếp, thân thiện cho những cặp vợ chồng sinh con một bề, đối tượng nghèo, dân tộc ít người... Tiếp tục duy trì hoạt động của các đội cung cấp dịch vụ dân số, SKSS lưu động để đưa dịch vụ có chất lượng đến với đồng bào vùng sâu, xa, khó khăn.