Nan giải “bài toán” giảm nghèo ở Yên Trạch

10:04, 18/02/2022

Yên Trạch là xã 135 duy nhất của huyện Phú Lương, có 1.743 hộ với 7.084 nhân khẩu, đồng bào dân tộc Tày chiếm trên 92%. Mặc dù trong những năm qua xã đã có nhiều giải pháp giảm nghèo, nhưng đến đầu năm 2022 địa phương vẫn còn 361 hộ nghèo và 364 hộ cận nghèo.

Ngày 20-1 vừa qua, chúng tôi theo chân Đoàn công tác của tỉnh đến thăm và tặng quà các hộ nghèo, cận nghèo tại xã Yên Trạch. Trò chuyện với những người dân đến nhận quà, chúng tôi nhận thấy nhiều người còn trong độ tuổi lao động và chỉ mới ngoài 30 tuổi nhưng lại thuộc hộ nghèo.

Từ năm 2020 trở về trước, với nguồn thu nhập từ việc đi làm công nhân, chị Nguyễn Thị Huyên, sinh năm 1988, xóm Đin Đeng, cũng đủ trang trải cuộc sống 2 mẹ con. Tuy nhiên, đầu năm 2021, chị sinh con thứ 2 và cũng nghỉ làm.

Chị Huyên tâm sự: Không còn nguồn thu nhập, cuộc sống của 3 mẹ con tôi gặp không ít khó khăn. Kinh tế gia đình phụ thuộc vào 1 sào ruộng và số tiền ít ỏi tích cóp khi còn đi làm.

Giống như chị Huyên, cuộc sống của chị Trần Thị Hạnh, sinh năm 1991, xóm Đồng Quốc, cũng khó khăn khi chị không còn đi làm công nhân hơn 1 năm nay. Ngoài làm 3 sào ruộng và trồng 2ha keo thì chồng chị phải đi làm nhiều nghề để có tiền trang trải sinh hoạt cho 4 nhân khẩu.

Chị Hạnh nói: Các cháu phải nghỉ học thường xuyên do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lại không có người trông con nên tôi đành phải nghỉ làm. Năm nay, khi các cháu đi học ổn định trở lại tôi sẽ tiếp tục xin đi làm công nhân để có thêm nguồn thu nhập…

Câu chuyện của chị Huyên, chị Hạnh cũng là câu chuyện chung của nhiều hộ nghèo ở Yên Trạch. Từ năm 2020 trở về trước, cả xã luôn có khoảng 1.000/4.000 người trong độ tuổi lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều gia đình, giúp họ có cuộc sống ổn định và vươn lên thoát nghèo.

Tuy nhiên, từ  2021 đến nay nhiều người phải nghỉ làm, không xin được việc làm do dịch bệnh nên gia đình tái nghèo.

Do không có vốn nên nhiều hộ nghèo, cận nghèo chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Thiếu việc làm chỉ là một trong số nhiều nguyên dân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo cao tại xã Yên Trạch. Mặc dù trên 90% người dân sinh sống phụ thuộc vào sản xuất nông, lâm nghiệp nhưng diện tích đất sản xuất lại hạn chế, cả xã chỉ có 1.700ha đất rừng sản xuất và hơn 550ha đất lúa, ngô 2 vụ, còn chăn nuôi đa phần là nhỏ lẻ, rất ít gia trại.

Cùng với đó, sản phẩm nông nghiệp của địa phương còn nghèo nàn, khó tiêu thụ, giá bán thấp, hệ thống giao thông chưa hoàn thiện... là những yếu tố đang “níu” sự phát triển của đồng bào nơi đây.

Ông Nguyễn Đình Chính, Trưởng xóm Na Mẩy, chia sẻ: Xóm hiện có 84 hộ với 365 nhân khẩu, trong đó có 21 hộ nghèo và 36 hộ cận nghèo. Ngoài lúa thì cây keo và cây chè là 2 cây trồng đem lại thu nhập chính cho người dân trong xóm. Tuy nhiên, trung bình mỗi hộ cũng chỉ được khoảng 1ha đất trồng rừng, lúa, chè và các loại cây trồng khác. Thời gian tới, nếu không giải quyết được “bài toán” việc làm cho người dân thì rất khó để giảm nghèo.

Những năm qua, công tác giảm nghèo luôn được cấp ủy, chính quyền xã Yên Trạch quan tâm. Hằng năm, xã luôn phấn đấu giảm 3% hộ nghèo, tuy nhiên đây luôn là “bài toán” khó.

Ông Nguyễn Văn Biểu, Chủ tịch UBND xã cho biết: Có rất nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ hộ nghèo của xã còn cao như: Nhiều người không có việc làm ổn định, gia đình đông con, hạn chế về đất sản xuất, thiếu thông tin kiến thức... Trên cơ sở đánh giá thực tế, xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các giải pháp, chính sách giảm nghèo. Kết hợp các nguồn vốn từ Chương trình 135, Chương trình xây dựng nông mới, Chương trình giảm nghèo... để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, chăn nuôi theo hướng gia trại, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đồng thời hỗ trợ người dân thành lập các hợp tác xã, xưởng chế biến lâm sản... nhằm nâng cao giá trị hàng hóa, tạo công ăn việc làm cho lao động ngay tại địa phương.