Từ tháng 7/2019-6/2022, được sự tài trợ Tổ chức Bánh mì cho Thế giới (tổ chức phi chính phủ của Đức), Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã triển khai Dự án “Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào tiến trình kinh doanh” tại 2 xã Yên Ninh và Yên Đổ (Phú Lương). Qua 3 năm thực hiện, Dự án đã góp phần cải thiện đời sống, nâng cao năng lực cho người dân, đặc biệt là phụ nữ nghèo, dân tộc thiểu số.
Dự án được thực hiện tại 18 xóm của 2 xã Yên Ninh và Yên Đổ, (trong đó nhóm hưởng lợi trực tiếp là 1.000 gia đình phụ nữ nghèo). Đây là những xã miền núi cách xa trung tâm huyện, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm trên 70%, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn.
Dự án tập trung vào 3 mục tiêu chính là: Tăng thu nhập của phụ nữ nghèo, dân tộc thiểu số; cải thiện môi trường sống của các hộ gia đình vùng dự án; nâng cao vị thế của phụ nữ.
Tổng ngân sách của Dự án là 7,1 tỷ đồng, trong đó Tổ chức Bánh mỳ cho thế giới tài trợ 6,2 tỷ đồng; Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên và người dân trong vùng thực hiện Dự án đối ứng 850 triệu đồng.
Với mục tiêu đó, Dự án đã triển khai nhóm các hoạt động thiết thực như: Hỗ trợ thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã ở các lĩnh vực thế mạnh của phụ nữ và người dân như trồng chè, trồng rau, chăn nuôi gà, bò theo hướng an toàn, hiệu quả; hỗ trợ mua sắm thiết bị máy móc sản xuất, tem truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác, kết nối tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ thực hiện các mô hình sinh kế.
Ngoài ra, Dự án còn tổ chức các khóa đào tạo về kỹ năng quản trị HTX; tập huấn kỹ thuật các mô hình sản xuất; tuyên truyền vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe, phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới; nâng cao năng lực cho phụ nữ khi tham gia công tác xã hội…
Hệ thống tưới nước tiết kiệm trên cây chè do Dự án hỗ trợ giúp người dân tiết kiệm nhiều công lao động, chăm sóc cây chè hiệu quả hơn.
Sau 3 năm thực hiện, Dự án đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Hai xã đã thành lập được 6 câu lạc bộ mới và duy trì 12 câu lạc bộ về quyền của phụ nữ, 18 tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp.
Một trong những tác động rõ nét nhất là cải thiện thu nhập của hộ gia đình hưởng lợi trong sản xuất nông nghiệp. Trên 90% số hộ có nguồn thu từ trồng trọt, chăn nuôi đều tăng 30-100% so với năm 2018. Nhiều hộ đã mua sắm được thiết bị sinh hoạt gia đình, xây mới sửa chữa nhà ở, có tiền trả nợ hoặc gửi tiết kiệm... Có 70% hộ gia đình cải thiện được chất lượng đất sản xuất nhờ sử dụng phân ủ thông qua tham gia hệ thống quản lý rác thải.
Chị Hoàng Thị Hòa, xóm Đồng Phủ 1, xã Yên Ninh, chia sẻ: Tham gia Dự án, tôi được hỗ trợ 2 triệu đồng mua giống, được tập huấn kỹ thuật phòng bệnh, nhất là nguồn thức ăn cho đàn gà. Trước đây, tôi chỉ dám nuôi khoảng 100 con, chủ yếu chăn bằng cám công nghiệp. Giờ tôi đã biết tận dụng ngô, thóc, bã đậu, rau xanh nghiền thành viên để cho gà ăn. Cách làm này tiết kiệm kinh phí, gà ăn nhiều, chất lượng thịt ngon nên bán giá dễ, giá cũng cao hơn khoảng 40 nghìn đồng/kg so với trước đó. Trung bình mỗi năm, tôi nuôi được gần 1.000 con gà thịt, thu lãi gần 150 triệu đồng.
Còn bà Nguyễn Thị Mai, Trưởng xóm Trung, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản an toàn Yên Đổ cho biết: Dự án hỗ trợ chúng tôi rất nhiều, từ thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất như: Tủ bảo ôn, máy hút chân không, hệ thống tưới tiêu tự động, mái nhà lưới, biển quảng cáo, kệ bán hàng... đến tập huấn, tham quan mô hình, chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất. Qua Dự án, lần đầu tiên chúng tôi được tiếp cận với phát triển kinh tế theo hình thức liên kết tổ hợp tác, hợp tác xã, thay đổi nhận thức, cách làm để tạo ra nông sản an toàn, bền vững, cách ủ phân hữu cơ...
Ngoài cải thiện cuộc sống, Dự án đã giúp người dân có phương pháp làm việc hiệu quả, tăng tính trách nhiệm của mỗi người với công việc chung, tạo sự gắn kết cộng đồng, nâng cao ý thức về việc giữ gìn vệ sinh, môi trường sống…
Bản thân phụ nữ cũng mạnh dạn, tự tin hơn khi tham gia các hoạt động xã hội cũng như đưa ra chính kiến, quyết định của mình trong mọi vấn đề của cuộc sống.