Quan tâm phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em vùng cao

09:39, 11/06/2022

Do phong tục tập quán, cộng với đời sống còn khó khăn nên nhiều gia đình ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi (MN) trên địa bàn tỉnh không có điều kiện để chăm sóc tốt cho con cái, các em thường theo bố, mẹ đi làm đồng, làm nương rẫy từ nhỏ. Điều này đã và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến những tai nạn thương tích đối với trẻ.

Cuộc sống gia đình khó khăn nên ngoài làm nông thì chị Ngô Thị V, dân tộc Mông ở xóm Làng Giai, xã La Hiên (Võ Nhai), còn làm thêm tại xưởng gỗ bóc cách nhà mấy trăm mét. Đứa con 3 tuổi của chị V. hằng ngày cũng theo mẹ đi làm nương và tại xưởng gỗ. Cách đây gần 1 năm, sự việc đau lòng đã ập đến với gia đình chị. Chị V. nghẹn ngào kể lại: Hôm đó, khoảng 4 giờ chiều, tôi cho con đi theo lên nương cắt cỏ cho bò và sau đó vào xưởng gỗ để thu gỗ đã phơi trước đó, do mải làm việc không để ý con nên con tôi bị xe chở gỗ va phải và tử vong.

Ông Dương Văn Thư, Trưởng xóm Làng Giai cho biết: Xóm hiện có 100 hộ với 400 nhân khẩu, 100% là đồng bào DTTS (Tày, Nùng, Mông, Dao), có trên 50 cháu dưới 16 tuổi. Hằng ngày, tôi chứng kiến nhiều cháu trong xóm mặc dù mới chỉ biết đi đã theo bố mẹ đi làm, thậm chí có cháu mới chỉ 5-6 tuổi đã đi cắt cỏ, địu cỏ về cho trâu, bò ăn…

Nhớ lần lên xóm Lũng Hoài, xã Thượng Lung (Võ Nhai), nơi có 100% hộ dân người đồng bào dân tộc Mông sinh sống, đúng vào mùa gặt, tôi thấy tất cả các thành viên trong gia đình ông Lý Văn S. đều đi gặt lúa. Vì thế, đứa cháu nội hơn 6 tháng tuổi của ông cũng được mang theo ra đồng. Cháu được ông, bà đặt nằm trên tấm bạt mỏng ở gần bờ ruộng, không có gì che chắn, xung quanh thì người tuốt lúa, sàng thóc làm thóc bắn tung tóe. Tuy nhiên, theo anh S. thì đây là chuyện hết sức bình thường đối với bà con vùng cao.

Trước thực tế đó, để phòng, chống những tai nạn thương tích không đáng có đối với trẻ em, những năm qua, các địa phương vùng DTTS và MN đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, hạn chế tình trạng trẻ em phải lao động sớm hay theo gia đình đi làm.

Ông Tầm Văn Cử, Chủ tịch UBND xã La Hiên cho biết: Hằng năm, xã đều có kế hoạch tuyên truyền về công tác trẻ em, giao cho các đoàn thể phối với nhà trường, các xóm đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân những kiến thức về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. Hướng dẫn các em kỹ năng tự phòng tránh những tai nạn thương tích, đồng thời nhận biết những nơi có thể gây nguy hiểm khi đi chăn trâu, cắt cỏ, lấy củi...

Còn bà Nguyễn Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) chia sẻ: Các thành viên trong Câu lạc bộ “Phụ nữ DTTS với pháp luật” ngoài việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục, tư vấn pháp luật cho phụ nữ, người dân vùng đồng bào DTTS, còn đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống tại nạn thương tích đối với trẻ em.

Nhận thức của bà con đồng bào DTTS về việc chăm sóc con em mình đã có những chuyển biến tích cực. Tuy vậy, hiện nay vẫn còn không ít trẻ em phải leo núi, leo đồi để trồng ngô, cắt cỏ, vào rừng kiếm củi...điều này tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến những vụ tai nạn thương tích.

Do đó, cách phòng ngừa hiệu quả nhất hiện nay là mỗi gia đình cần nâng cao ý thức chăm sóc, giáo dục và bảo vệ con em, tạo môi trường an toàn và lành mạnh cho các em. Các tổ chức, đoàn thể ở địa phương cần có nhiều hơn những hoạt động bổ ích, lành mạnh dành cho các em.