Tạo “sức bật” cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số

07:41, 28/06/2022

Những năm qua, từ nguồn lực đầu tư của Nhà nước qua các chương trình, dự án, chính sách cùng với sự quan tâm sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương, đời sống bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở huyện Đại Từ được cải thiện rõ rệt. Việc triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đã trở thành động lực quan trọng giúp các hộ người DTTS vươn lên, từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống và sự phát triển giữa các địa phương.

Là một trong số những hộ được hỗ trợ bò theo Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, sau hơn 2 năm chăm sóc, đến nay, con bò của gia đình chị Trần Thị Lâm, ở xóm Lưu Quang 4, xã Minh Tiến đã sinh sản. Trò chuyện với chúng tôi, chị Lâm cho hay: Từ số tiền 15 triệu đồng được hỗ trợ, gia đình tôi đối ứng thêm 4 triệu đồng để mua bò trưởng thành. Tôi còn dựng chuồng trại, trồng cỏ quanh nhà để có thêm thức ăn cho bò. Vốn là hộ nghèo từ 16 năm nay, sự hỗ trợ này là nguồn lực rất lớn đối với gia đình tôi, tạo thêm động lực để chúng tôi quyết tâm thoát nghèo.

Cùng với gia đình chị Lâm, trên địa bàn huyện Đại Từ đã có hàng nghìn hộ đồng bào DTTS nhận được hỗ trợ từ các chương trình, dự án. Nhiều hộ trong số này đã vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống ổn định hơn. Ông Tống Văn Thiện, Chủ tịch UBND xã Phúc Lương, cho biết: Phúc Lương là một trong những xã có tỉ lệ đồng bào DTTS đứng đầu huyện, với hơn 90% dân số là người DTTS. Những năm qua, các chính sách đặc thù cho vùng DTTS được triển khai đã đem lại những nguồn lực to lớn, giúp xã hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Quan trọng hơn hết là người dân được tạo điều kiện phát triển sản xuất, thay đổi cách nghĩ, cách làm và cải thiện đời sống.

Là huyện miền núi, tỉ lệ đồng bào DTTS chiếm trên 32% tổng số dân của Đại Từ. Để giúp đồng bào DTTS vươn lên phát triển kinh tế, giai đoạn 2016-2021, từ nguồn vốn hơn 130 tỷ đồng của Chương trình 135, huyện Đại Từ đã hỗ trợ cho gần 6.000 hộ để phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo và đầu tư xây dựng gần 80 công trình hạ tầng nông thôn miền núi.

Ngoài ra, huyện còn đặc biệt quan tâm đến công tác chăm sóc sức khỏe, đào tạo nghề cho lao động là người DTTS, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong giai đoạn 2016-2021, toàn huyện đã tổ chức đào tạo nghề cho trên 11.000 người. Trong đó, tỉ lệ lao động là người DTTS qua đào tạo chiếm khoảng 65%; khoảng 4.000 lao động là người DTTS được giải quyết việc làm.

Bên cạnh đó, các chương trình, chính sách, như: Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo theo Quyết định số 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 2085/QĐTTg của Thủ tướng Chính phủ; chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho các hộ đồng bào DTTS phát triển sản xuất… cũng được huyện Đại Từ triển khai tích cực.

Hiệu quả dễ thấy nhất mà các chương trình, chính sách hỗ trợ đem lại đó là những chuyển biến về kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS. Nếu như năm 2015, tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện là gần 4.800 hộ thì đến nay, con số này giảm còn khoảng 1.300 hộ. Đại Từ hiện không còn xã, xóm đặc biệt khó khăn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Chu Hồng Thái, Trưởng phòng Dân tộc huyện Đại Từ, đánh giá: Về cơ bản, các chính sách dân tộc đã được huyện triển khai đầy đủ, toàn diện trên các lĩnh vực và cho thấy hiệu quả rõ nét. Tuy nhiên, ở một số xã vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hiện vẫn rất lớn, trong khi nguồn lực hạn chế. Do vậy, thời gian tới, huyện Đại Từ chủ trương tiếp tục tranh thủ tối đa sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước và sự chung tay của các doanh nghiệp trong công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống đồng bào DTTS trên địa bàn.