Thời gian qua, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh trong việc thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số (DTTS)” đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tảo hôn. Số tảo hôn giảm dần, chất lượng dân số từng bước được nâng lên.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 50 DTTS cùng sinh sống với trên 384.379 người, chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh. Đồng bào DTTS của tỉnh sinh sống chủ yếu ở 5 huyện là: Định Hóa, Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ và Đại Từ.
Từ những năm 2015 trở về trước, do ảnh hưởng của tập quán lạc hậu, lại chưa hiểu biết về luật pháp; thiếu kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên nên tình trạng tảo hôn diễn ra phổ biến tại vùng DTTS và miền núi, thậm chí có cả hôn nhân cận huyết thống (3 cặp là đồng bào dân tộc Mông tại huyện Võ Nhai).
Vì thế, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 498/QĐ-TTg, ngày 14/4/2015, phê duyệt Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS, giai đoạn 2015 - 2025", ngày 7/12/2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3429/QĐ-UBND về kế hoạch thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”.
Theo đó, Ban Dân tộc tỉnh là cơ quan thường trực. Ông Hoàng Văn Chính, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Nhằm thực hiện hiệu quả Đề án, Ban đã tổ chức điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, số liệu về tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS và miền núi bằng phiếu điều tra. Qua đó lựa chọn nội dung, cách thức tuyên truyền, vận động phù hợp với từng dân tộc, từng địa phương. Hằng năm, Ban phối hợp với các cơ quan báo chí của tỉnh tuyên truyền gần 1.000 tin, bài; phát hàng hằng trăm cuốn sổ tay hỏi - đáp pháp luật về hôn nhân gia đình và tổ chức tập huấn cho trên 1.000 lượt người là bí thư chi bộ, trưởng xóm, người có uy tín và người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Cùng với cơ quan thường trực, các sở, ngành chức năng của tỉnh cũng tích cực vào cuộc. Đơn cử như Sở Tư pháp đã đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hình thức biên soạn, in ấn và phát hành các tài liệu, tờ rơi, sách hỏi-đáp pháp luật có nội dung về đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật về hôn nhân gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; từ năm 2016-2021: Phát 2.200 tờ rơi; phát 670 tập đề cương giới thiệu Luật Hôn nhân và Gia đình; tổ chức 406 hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho trên 40.000 lượt người là đồng bào DTTS.
Bà Hồ Thị Thanh Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số, KHHGĐ tỉnh, chia sẻ: Chúng tôi đã triển khai và hướng dẫn phòng dân số, KHHGĐ thuộc trung tâm y tế các huyện, thành phố phối hợp với phòng tư pháp cấp huyện và ban tư pháp xã, phường, thị trấn tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình, chương trình dân số, KHHGĐ đến tận các xóm, tổ dân phố, thu hút hàng triệu lượt người dân tham gia.
Các huyện, thành phố cũng đã cung cấp 32.140 tờ rơi, pano, áp phích cho 14.738 người; tổ chức 1.672 lớp tập huấn cho 68.728 lượt người và 632 hội nghị cho 46.008 lượt người liên quan đến Luật Hôn nhân và gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. 100% xóm, bản vùng DTTS và miền núi ngoài việc tuyên truyền đến người dân còn đưa vào hương ước, quy ước của xóm những nội dung liên quan đến tảo hôn.
Bà Ma Thị Thiện, Trưởng xóm Làng Hoèn, xã Phúc Chu (Định Hóa), cho hay: Xóm tôi hiện có 157 hộ với 637 nhân khẩu, trong đó, trên 90% số dân là đồng bào dân tộc Tày, Dao, Cao Lan, Sán Chí. Trong những năm qua, xóm thường xuyên lồng ghép tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình, tảo hôn trong các buổi họp xóm. Ngoài ra, xóm còn đưa vào hương ước, quy ước, nếu gia đình nào vi phạm sẽ bị phạt tiền cho vào quỹ của xóm, không được bình xét gia đình văn hóa. Nhờ đó, nhiều năm trở lại đây, xóm không xảy ra tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành đã góp phần giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS và miền núi. Nếu năm 2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 125 trường hợp tảo hôn thì đến năm 2021 chỉ có 61 trường hợp; 3 tháng đầu năm 2022 có 9 trường hợp. Đặc biệt từ năm 2016 đến nay, không xảy ra trường hợp hôn nhân cận huyết thống…