Chuyện người Mông ở Thái Nguyên, kỳ 3: An cư lạc nghiệp

07:28, 01/08/2022

Cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông ở Thái Nguyên đã dần ổn định và khởi sắc. Những dấu chân mải miết di chuyển trên các vách đá tai mèo năm xưa đã chọn được nơi đất lành. Nhờ có những chính sách thiết thực của Đảng, Nhà nước, sự chung tay của cấp uỷ, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và đặc biệt là sự sâu sát của bộ đội địa phương, giờ đây đồng bào chuyên tâm lao động sản xuất, từng bước hòa nhập vào đời sống xã hội hiện đại.

Từ khi có nhà văn hóa, bà con người Mông ở bản Lũng Luông như xích lại gần nhau hơn, tình làng nghĩa xóm cũng vì thế mà gắn bó khăng khít hơn. Mỗi tháng sinh hoạt 1 lần, nhưng sau chuỗi ngày vất vả mưu sinh, bà con kéo đến Nhà văn hoá bản để được nghe cán bộ phổ biến kiến thức mới về khuyến nông, trồng trọt chăn nuôi.

Lần này cũng vậy, Thiếu tá Đào Chí Thông, cán bộ dân vận Ban Chỉ huy Quân sự huyện Võ Nhai lặn lội vượt đèo dốc vào bản, vừa để bám nắm tình hình địa bàn vừa tranh thủ tuyên truyền về quốc phòng, an ninh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Anh được bà con coi như người con của bản.

Đạo Tin Lành được chính quyền địa phương công nhận và được tự do truyền đạo ở các xóm, bản người Mông. Đạo Tin lành hướng người Mông xây dựng nếp sống mới, vệ sinh, tiết kiệm, xóa bỏ những hủ tục rườm rà, tốn kém trong cưới xin, tang ma, cúng bái khi bị ốm đau.

Người Mông theo đạo Tin Lành đều tu chí làm ăn, không lấy nhiều vợ, không nghiện thuốc phiện, không cướp của, giết người. Những điều răn trong Kinh thánh dạy người Mông biết cố kết cộng đồng, bảo vệ, đùm bọc nhau trong đời sống hàng ngày. Tà đạo từ đó mà tự khắc cũng bị bài trừ.

Cùng chuyến vào Lũng Luông với Đoàn cán bộ Quân khu 1 do Trung tướng Dương Đình Thông dẫn đầu mới đây có Chủ tịch UBND xã Thượng Nung Lương Thị Mỹ Chải, với dáng người trẻ trung, thư sinh nhưng lại là người có thâm niêm bám bản. Với bước chân nhanh nhẹn, chị dẫn Đoàn công tác vượt đèo, lội suối đến với bà con.

Không giấu được niềm vui, chị Chải cho biết: Trong những năm gần đây, xã đã đề xuất các cấp có thẩm quyền nhiều dự án phát triển kinh tế, xã hội cho đồng bào người Mông; đã có nhiều mô hình được triển khai cho hiểu quả thiết thực, điển hình như mô hình chăn nuôi bò vỗ béo được bà con nhân rộng, trở thành động lực xoá đói, giảm nghèo cho bà con người Mông.  

Cô giáo Đinh Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lũng Luông phấn khởi khi chúng tôi thăm Trường. Cô bảo, Trường được xây bằng nguồn vốn của Nhà nước, địa phương và viện trợ của các tổ chức quốc tế; có 22 giáo viên giảng dạy ở 5 lớp, học sinh chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Mông. Những năm qua, đội ngũ giáo viên đã không quản đường đèo vất vả, đi bộ vài ba cây số đường rừng đến từng hộ dân người Mông để tuyên truyền, vận động cho con trẻ đến lớp. Nhờ đó, đến nay các gia đình người Mông đều tin tưởng cho con em đến trường học chữ.

Cô giáo Lý Thị Sia, giáo viên lớp 4, cho biết: Mình là người Mông sinh ra lớn lên ở vùng đất này, mình hy vọng sẽ góp phần dạy các em học sinh có kiến thức, có trí tuệ để rồi trưởng thành, cùng nhau xây dựng bản làng giàu đẹp hơn...

Bao năm qua, người Mông ở Thái Nguyên như con dê núi, đã bám móng vào biết bao mỏm đá tai mèo nơi Lũng Cà, Lũng Luông, Lũng Hoài miền Thượng Nung; đã thúc đầu gối vào ngực khi leo biết bao con dốc về Bản Tèn, Khe Cạn, Văn Lăng; đã đi qua Khau Lầu, Pác Máng, Định Biên, vượt suối sâu tới Đồng Tâm, Động Đạt... nhưng đó đã là chuyện của nhiều chục năm về trước.

Còn giờ đây, người Mông ở Thái Nguyên đã có đường bê tông về bản, nhà cửa khang trang, ruộng nương xanh mát. Triết lý “tay làm, hàm nhai” nâng đỡ bao gia đình người Mông vượt qua đói nghèo, vươn xa hơn trong cuộc sống.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên cho biết: Thời gian qua, với sự phối hợp giữa Tỉnh uỷ Thái Nguyên và Bộ Tư lệnh Quân khu 1, vấn đề du canh, du cư ở Thái Nguyên đã được giải quyết khá triệt để; đời sống của hơn mười nghìn bà con đồng bào dân tộc Mông tại Thái Nguyên hiện nay đã có nhiều khởi sắc. Tỉnh sẽ tiếp tục có những chủ trương, giải pháp chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc Mông nói riêng, xây dựng Thái Nguyên giầu về kinh tế, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng, an ninh…

“Thương hải tang điền”, mới đó mà đã mấy mươi năm đi qua đời người, những vai núi xa khuất dần trở thành chòm xóm. Rừng hỗn giao thành nương ngô, ruộng lúa, bãi chè; khe núi thành hồ ao cho đàn cá tung tăng bơi lội. Trên những vai núi ấy có biết bao hộ đồng bào Mông từng cực nhọc mưu sinh mà lòng thao thức nhớ tiếng khèn. Ngỡ rằng, thứ âm thanh của quê hương sẽ chẳng bao giờ được cất lên ở một miền đất khác, thì nay, tiếng khèn kỳ diệu ấy lại được tái sinh, ru hồn người mê đắm tìm về những giá trị xưa cũ.

Bao năm vắng bóng tiếng khèn, cộng đồng người Mông ở Thái Nguyên đã tự “viết” lên bằng chính nghị lực và đôi bàn tay lao động của mình. Để rồi hôm nay, lúc nông nhàn, họ đã có thể thảnh thơi ngơi tay cày, tay cuốc mà nắn nót phím khèn. Vang trong không gian mênh mang của núi rừng, khèn kể về những cơ cực của kiếp người sống đời du canh, du cư, mải miết đuổi chim, tìm thú; khèn cảm động vì những chính sách định canh định cư của Nhà nước, của Quân đội dành cho đồng bào; khèn réo rắt tươi vui gieo hy vọng về cuộc đời ấm no bền vững cho muôn đời con cháu mai sau.