65 tuổi, mỗi khi nhìn những đồng đội cũ của mình vui vẻ bên con cháu, bạn bè, bà Bùi Thị Tâm (tổ 7, phường Trung Thành, T.P Thái Nguyên) lại thấy tủi thân đến rơi nước mắt. Không có chồng, con bên cạnh, không có căn nhà để ở và phải chống chọi với những căn bệnh đã khiến bà kiệt quệ cả sức khoẻ lẫn tinh thần.
Chúng tôi gặp bà Tâm khi bà đang điều trị tại Bệnh viện Gang Thép Thái Nguyên. Trong khi các bệnh nhân khác đều có con cháu, người thân thay nhau chăm sóc thì bà chỉ có một mình. Cơn đau bụng, đau đầu liên tiếp hành hạ khiến khuôn mặt bà thêm khắc khổ. Khi được hỏi về gia đình bà không kìm được những giọt nước mắt lăn dài trên má. Bà quê ở Thanh Hoá, lấy chồng về đây sinh hạ được hai người con trai. Éo le thay, cuộc hôn nhân đổ vỡ, người con cả theo bố rồi mất liên lạc. Bà sống cùng vợ chồng con trai út trong một căn phòng nhỏ ở khu tập thể cũ của phường.
Năm 2012, con trai bị bệnh ung thư, thương con, bà đã bán căn hộ đang sống lấy tiền chạy chữa cho con. Song bệnh con không qua khỏi, nhà cũng mất, đứa con dâu cũng bỏ đi để lại bà một mình. Những ngày sau đó, bà đến ở nhờ nhà người quen. Song thấy cuộc sống của họ cũng cùng cực nên bà chỉ ở vài hôm rồi lại đi. Dù khổ khó khăn đủ đường nhưng bà chẳng bao giờ muốn làm phiền ai hết. Kể cả những lúc ốm đau, bệnh tật, thậm chí không có cơm ăn bà cũng im lặng chịu đựng. Vì vậy, hàng ngày bà gắng sức làm việc, khi thì đi giúp việc nhà, khi đi hái chè thuê và gần đây, bà rong ruổi trên chiếc xe đạp cũ đi khắp thành phố để nhặt phế liệu bán lấy tiền đắp đổi qua ngày.
Bà bảo: Tôi sống được đến bây giờ là nhờ vào uống thuốc trợ tim. Mỗi vỉ thuốc 90.000 đồng uống được 1 tháng. Không đủ tiền mua cả vỉ nên mỗi lần tôi chỉ mua chục viên. Nhiều khi hết thuốc, cơn đau ập đến chỉ biết cắn răng chịu đựng. Hoàn cảnh khó khăn, song bà Tâm phải chống chọi với hàng loạt căn bệnh như: hở van tim, co thắt mạch vành, rối loạn tuần hoàn não, thoát vị đĩa đệm, đau dạ dày, chảy máu đại tràng, sỏi thận…
Bác sĩ Nguyễn Thị Lan Phương, Phó trưởng Khoa Nội Tổng hợp - Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên cho biết: Cách đây không lâu, bà cũng vào đây điều trị trong tình trạng suy nhược cơ thể nặng. Biết hoàn cảnh của gia đình bà, chúng tôi cũng vận động các y, bác sĩ trong bệnh viện mỗi người góp ít nhất 10.000 đồng để cho bà, đồng thời đề nghị với Công đoàn Bệnh viện có hình thức giúp đỡ bà kịp thời bằng tiền mặt, phát cơm, cháo, nước uống miễn phí… Với tình trạng bệnh hiện tại, bà phải nằm điều trị khoảng 10 ngày nữa. Nhìn bà lủi thủi một mình chống chọi với bệnh tật, ai thấy cũng rất thương, chúng tôi hi vọng bà sẽ được nhiều cá nhân, nhà hảo tâm giúp đỡ nhiều hơn.
Được biết, bà Tâm vốn là lính công binh Sư đoàn 473, từng tham gia chiến đấu trên mặt trận tuyến lửa Trường Sơn những năm 1973-1977. Sau 4 năm đi bộ đội, bà về công tác tại Ty Thương nghiệp Bắc Thái. Hết thời bao cấp, đơn vị này giải thể nên bà không có chế độ gì. Năm 1990, theo chính sách của Nhà nước, bà được hưởng trợ cấp 1 lần với số tiền hơn 500.000 đồng.
Đi bộ đội về, mang trong mình nhiều bệnh khiến sức khoẻ bà rất yếu. Bà được Binh đoàn 12 - Đơn vị của truyền thống bộ đội Trường Sơn xác nhận tham gia phục vụ chiến đấu trong vùng quân đội Mỹ có sử dụng chất độc hoá học da cam/ dioxin vậy nhưng chẳng rõ lý do gì mà mà không được công nhận là nạn nhân chất độc da cam. Mặt khác, dù có hộ khẩu tại phường Trung Thành, nhưng do hoàn cảnh khó khăn, không có nhà, bà phải đi lang thang, kiếm sống khắp nơi, không sinh hoạt thường xuyên tại phường nên cũng không được địa phương công nhận là hộ nghèo. Hiện, bà đang sống nhờ nhà chị Nguyễn Thị Lượng - Người quen của bà tại phường Lương Sơn (T.P Thái Nguyên), hoàn cảnh gia đình bà Lượng cũng hết sức khó khăn.
Bà Đào Thị Bích Thuỷ, Trưởng ban Liên lạc nữ chiến sĩ Trường Sơn cho hay: Với hoàn cảnh của bà Tâm ngoài thăm hỏi chia sẻ lúc ốm đau, bệnh tật, chúng tôi đang phát động mỗi hội viên đóng góp 100.000 đồng và vận động các nguồn lực để trực tiếp giúp đỡ gia đình bà mua căn hộ, ở khu chung cư của phường (khoảng gần 100 triệu đồng) trong năm nay... Qua đây, chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm, chia sẻ từ các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm để bà Tâm sớm có nhà để ở. Đó cũng là niềm mong mỏi lớn nhất của bà - một nữ chiến sĩ Trường Sơn.