33 tuổi - là trụ cột kinh tế gia đình nhưng anh Lưu Đức Tuấn, tổ dân phố Nguyên Gon, phường Cải Đan (T.P Sông Công) lại phải đối mặt với căn bệnh suy thận. Cách duy nhất để kéo dài sự sống là ghép thận, tuy nhiên đây là điều quá sức với gia đình anh.
Anh Tuấn cũng từng có cuộc sống bình thường như bao người khác. Hai vợ chồng làm công nhân, mỗi tháng thu nhập khoảng 9 triệu đồng, tuy không cao, nhưng cũng đủ trang trải cuộc sống. Cách đây gần 2 năm, tự nhiên anh thấy trong người bứt rứt, khó chịu, chán ăn, buồn nôn giống như người bị cảm nắng, anh đi khám bác sĩ bảo bị bệnh suy thận cấp cần phải vào viện điều trị. Từ lúc phát hiện đến nay, cứ đều đặn 3 lần/tuần, anh phải tiến hành lọc máu tại Bệnh viện C Thái Nguyên.
Mẹ anh, bà Nguyễn Thị Hồng Loan cho biết: Tôi sinh được hai người con trai đều đã lập gia đình, Tuấn là con trai đầu. Từ khi biết con bị bệnh, gia đình đau xót lắm, đã bán hết tài sản có giá trị trong nhà để mong chữa trị duy trì sự sống cho con. Gia đình tôi thuộc hộ nghèo, ruộng nương, vườn bãi không có nên kinh tế chẳng biết trông cậy vào đâu. Trước kia tôi còn đi làm thuê được vài buổi, có đồng ra đồng vào. Giờ nó bị bệnh, sức khỏe thất thường lắm, nhịp tim không đều, có lúc chân tay run run không đi lại được, tôi chỉ biết loanh quanh ở nhà chăm sóc nó.
Vợ chồng anh có hai đứa con, đứa 7 tuổi, đứa 5 tuổi. Thấy anh lâm bệnh nặng, vợ anh đã bỏ nhà ra đi. Thương anh, em trai là Lưu Đức Tuân (cũng làm công nhân) mỗi tháng tiết kiệm bỏ ra 1 triệu đồng hỗ trợ anh nuôi con.
Anh Tuấn chia sẻ: Từ giữa năm ngoái, gia đình tôi luôn quay quắt với khó khăn khi hàng tháng vẫn phải chi trả gần 3 triệu đồng để tôi đi lọc máu tại bệnh viện. Cũng vì thế nên đôi khi tôi phải giảm bớt số lần đi chạy thận được bác sĩ quy định. Theo các bác sĩ, lọc máu chỉ làm biện pháp cầm cự của bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối. Với những người lọc máu chu kỳ cầm cự chỉ được 5 đến 10 năm tùy mỗi người. Một bệnh nhân lọc máu chu kỳ chỉ có 3 cách: lọc máu chu kỳ, lọc màng bụng và ghép thận. Trong đó, ghép thận là biện pháp tốt nhất cho bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối. Theo ước tính, tổng chi phí một ca ghép thận từ 500-700 triệu đồng cho các khoản xét nghiệm cho người hiến và người được hiến trước khi tiến hành ghép thận, chi phí tiến hành ghép thận, chi phí cho người hiến thận.
Biết rõ ghép thận là phương pháp tối ưu nhất để duy trì sự sống nhưng 700 triệu đồng là số tiền ngoài sức tưởng tượng với hoàn cảnh gia đình lúc này mà chúng tôi có bán căn nhà này đi chắc cũng không đủ, bà Loan cho biết thêm. Còn với anh Tuấn, dù biết rằng nếu được ghép thận cũng không có sức khỏe và tuổi thọ như người bình thường, nhưng được sống bên mẹ, bên các con ngày nào là ngày đó anh cảm thấy vô cùng hạnh phúc.
Mọi đóng góp xin gửi về theo địa chỉ: Anh Lưu Đức Tuấn, Tổ dân phố Nguyên Gon, phường Cải Đan, T.P Sông Công. SĐT 0961871586. Hoặc Tòa soạn Báo Thái Nguyên, số 10, đường Nha Trang (T.P Thái Nguyên. Số điện thoại: 0208 3855703 hoặc 0208 3857500.