Dịch COVID -19 tiếp tục diễn biến khó lường, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải tạm ngừng, thậm chí là ngừng hẳn hoạt động. Kéo theo đó là người lao động (NLĐ) không có việc làm, bị mất nguồn thu nhập.
Thạc sĩ Bùi Tiến Đạt, Trưởng Phòng Thông tin thị trường (Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh) cho biết: Dịch COVID - 19 tác động sâu rộng tới mọi mặt đời sống xã hội, tỷ lệ lao động bị mất việc làm đề nghị hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp tiếp tục có chiều hướng gia tăng. Lũy kế đến tháng 10 qua trên địa bàn tỉnh có 7.613 NLĐ đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Riêng tháng 10 có gần 500 trường hợp.
Không việc làm, không thu nhập, NLĐ phải “véo” vào tiền tích lũy vốn đã ít ỏi của mình để “ăn dè, hà tiện”; hoặc sống nhờ vào sự hỗ trợ của người thân. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết thêm: 75% NLĐ thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trước thời hạn. Số NLĐ thất nghiệp còn lại chủ yếu do hết hạn hợp đồng lao động, hoặc do hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng.
Đặc biệt, có 1% NLĐ thất nghiệp do doanh nghiệp giải thể, phá sản; 0,53% NLĐ bị xử lý kỷ luật, sa thải và 0,11% NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng việc làm trái pháp luật.
Thực tế tại Trung tâm Dịch vụ việc làm cho thấy: NLĐ đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp có 52% là thợ lắp ráp; 10% là thợ may, thêu; 4% là nhân viên bán hàng; 3% là nhân viên kế toán; 3,5% là kỹ thuật viên điện tử; 4% là thợ hàn…
Tuy nhiên, có một số nghề ít bị tác động bởi đại dịch COVID - 19 là luật sư; tư vấn tài chính, đầu tư; giao dịch viên ngân hàng, có tỷ lệ thất nghiệp giao động từ 0,5 đến 1%...
Cán bộ, công nhân Công ty CP Hợp kim sắt Thái Nguyên.
Khối ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn luôn có số lượng người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp lớn nhất, chiếm 86%; ngành hoạt động dịch vụ chiếm 8%; ngành xây dựng chiếm 3%, còn lại là các ngành nông, lâm nghiệp, giáo dục - đào tạo và các ngành khác.
Một vấn đề đáng quan tâm là có đến 60% NLĐ làm việc cho các doanh nghiệp trong tỉnh đến Trung tâm nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. 40% NLĐ còn lại làm việc tại các doanh nghiệp ngoài tỉnh.
Trong tổng số NLĐ thất nghiệp có 76% là lao động phổ thông, không có bằng cấp, chứng chỉ nghề chuyên môn; 16% NLĐ có trình độ đại học và trên đại học; 11% NLĐ có trình độ trung cấp nghề, trung học chuyên nghiệp; 9% NLĐ có trình độ cao đẳng nghề, cao đẳng chuyên nghiệp, còn lại là NLĐ có chứng nhận, chứng chỉ nghề sơ cấp.
Ông Đạt cho biết thêm: Thị trường lao động cuối năm có chiều hướng “ấm” hơn. Trong 10 tháng qua, toàn tỉnh có hơn 600 doanh nghiệp được cấp mới đăng ký hoạt động, với tổng vốn đăng ký trên 6.000 tỷ đồng.
Theo đó, nhu cầu về nhân lực tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có chiều hướng tăng. Dự kiến, nhu cầu nhân lực cần hơn 10.000 chỗ làm việc. Tập trung ở các nhóm ngành sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, công nghệ, kinh tế, nhựa - bao bì, kinh doanh - bán hàng, mộc - tiểu thủ công nghiệp và kiến trúc - xây dựng.
Cũng theo khảo sát của Trung tâm: Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đều đưa ra một số các chính sách ưu đãi, hỗ trợ và phúc lợi tốt để thu hút NLĐ, trong đó ưu tiền NLĐ bị mất việc làm do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID -19.
Trung tâm tiếp tục tăng cường các hoạt động tuyên truyền, kết nối các phiên giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến, tạo cơ hội tốt nhất cho NLĐ thất nghiệp tiếp cận đầy đủ thông tin về lao động, việc làm và sớm quay trở lại thị trường lao động.