Vốn vay giải quyết việc làm (GQVL) được xác định là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ lao động nông thôn tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập. Là cơ quan được giao nhiệm vụ giải ngân nguồn vốn này trên địa bàn, Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) huyện Đồng Hỷ luôn chú trọng tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tiếp cận vốn vay GQVL.
Gia đình chị Lưu Thị Oanh từng là một trong những hộ khó khăn nhất ở xóm Bình Ca, xã Minh Lập. Đầu năm 2021, chị Oanh được vay 100 triệu đồng thông qua nguồn vốn vay GQVL để phát triển sản xuất. Chị Oanh chia sẻ: Vào thời điểm khó khăn nhất, nguồn vốn được xem như “cứu cánh” đối với gia đình tôi. Từ số tiền được vay, gia đình tôi đã đầu tư nuôi 3 con trâu, 1 con bò 3B. Nhờ đó, kinh tế gia đình đã dần khá lên, 2 vợ chồng không còn phải nghĩ đến chuyện đi làm xa mà yên tâm ở nhà phát triển trồng trọt, chăn nuôi”.
Để hiểu rõ hơn về hiệu quả của vốn vay GQVL, chúng tôi cùng cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đồng Hỷ đến kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn tại gia đình bà Vũ Thị Hạnh, ở xóm Tướng Quân, xã Hóa Thượng. Trong trại gà rộng 1.000m2, bà Hạnh chia thành 2 khu riêng biệt để chăn nuôi phù hợp, quy trình chăn nuôi gà thịt được thực hiện khép kín.
“Đầu năm 2018, gia đình tôi được vay 44 triệu đồng từ gói vốn vay GQVL của Ngân hàng CSXH huyện. Với số tiền này cộng thêm vốn tự có, gia đình tôi đã phát triển trang trại chăn nuôi gà. Đến nay, số lượng gà trong trang trại của gia đình tôi là khoảng 9.000 con. Với 3 lứa gà mỗi năm, trang trại mang lại cho gia đình tôi nguồn thu nhập ổn định. Riêng 9 tháng năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng thu nhập từ trang trại gà vẫn đạt gần 400 triệu đồng.” - Bà Hạnh nói.
Cùng với gia đình chị Oanh, bà Hạnh, 9 tháng qua, Ngân hàng CSXH huyện Đồng Hỷ đã giải ngân nguồn vốn cho vay GQVL cho gần 200 khách hàng; doanh số cho vay đạt gần 10 tỷ đồng; mức vay bình quân trên 48 triệu đồng/dự án. Qua đó, duy trì và tạo việc làm cho trên 224 lao động nông thôn. Ông Trần Nhật Linh, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đồng Hỷ cho biết: Tính đến hết tháng 9-2021, tổng dư nợ nguồn vốn vay GQVL trên địa bàn đạt gần 25 tỷ đồng với 596 khách hàng. Từ nguồn vốn này đã giúp nhiều hộ có điều kiện mở rộng nhà xưởng, đầu tư sản xuất, mua sắm máy móc, trang thiết bị hiện đại… Từ đó, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn.
Theo đánh giá của lãnh đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đồng Hỷ, công tác triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, trong đó có vốn vay GQVL, trên địa bàn từ đầu năm đến nay được tổ chức đồng bộ, kịp thời và có sự phối hợp giữa vay vốn với thực hiện chính sách an sinh xã hội. Thông qua các tổ chức hội, đoàn thể, Ngân hàng CSXH huyện Đồng Hỷ đã cho vay đúng đối tượng, đúng nội dung vay, việc giải quyết thủ tục, hồ sơ vay nhanh chóng và hiệu quả.
Tuy nhiên, công tác cho vay vốn GQVL trên địa bàn vẫn còn một số hạn chế. Đó là số việc làm mới được tạo thêm còn ít, chủ yếu là tăng thời gian làm việc cho các thành viên trong gia đình; số người được vay vốn vẫn còn khiêm tốn; chưa có các cơ sở sản xuất kinh doanh vay vốn... Hiện này, nhu cầu vay của các hộ dân trên địa bàn rất lớn, trong khi đó, nguồn vốn cho vay còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu...
Để các vốn vay GQVL phát huy hiệu quả hơn nữa, trong thời gian tới, Ngân hàng CSXH huyện Đồng Hỷ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa nguồn vốn. Đồng thời, thẩm định, nâng mức vay vốn để người lao động được tạo việc làm ổn định, bền vững. Đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, thu nợ, đặc biệt là nợ quá hạn nhằm bảo toàn và phát huy hiệu quả nguồn vốn.