Thực hiện chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19, từ đầu năm đến nay, huyện Phú Lương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giúp người lao động tìm kiếm việc làm, sớm ổn định thu nhập.
Mặc dù vào những tháng cuối năm 2021, trên địa bàn huyện Phú Lương mới ghi nhận các trường hợp dương tính với vi rút SARS-CoV-2 nhưng trước việc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong suốt cả năm nay, đặc biệt là từ cuối tháng 4, đã gây không ít khó khăn cho việc triển khai công tác giải quyết việc làm của địa phương.
Một trong những hoạt động bị ảnh hưởng nhiều nhất là tổ chức các ngày hội tìm kiếm việc làm, phiên hoặc sàn giao dịch việc làm. Đây là hoạt động trọng tâm được tổ chức thường xuyên hàng năm, góp phần kết nối người lao động với nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, khi đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát, huyện đã phải tạm dừng các chương trình giới thiệu việc làm tại cơ sở để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh.
Trước thực trạng đó, nhằm đảm bảo kết nối cung - cầu lao động, cơ quan chức năng của huyện Phú Lương đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức tuyên truyền, giới thiệu cho người lao động kết nối với các sàn giao dịch trực tuyến. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có gần 100 lao động được tư vấn việc làm thông qua 7 đợt tổ chức sàn giao dịch trực tuyến.
Bên cạnh công tác giới thiệu việc làm, hoạt động đào tạo nghề cũng được huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai linh hoạt, đảm bảo quy định phòng, chống dịch. Ông Trịnh Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Phú Lương cho biết: Năm nay, chúng tôi tổ chức được 3 lớp sơ cấp dạy nghề nông nghiệp cho trên 80 học viên. Để đảm bảo lớp học được diễn ra hiệu quả, an toàn dịch bệnh, chúng tôi luôn chấp hành nghiêm túc quy định 5K và giới hạn số lượng học viên khoảng 25 đến 30 người.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài trong cả nước cũng đã khiến người lao động đang làm việc tại nhiều doanh nghiệp ở vùng dịch bị mất việc làm hoặc phải tạm ngừng việc và trở về địa phương. Trước tình hình đó, huyện Phú Lương đã giao phòng chuyên môn rà soát, nắm bắt cụ thể thông tin về người lao động địa phương đang làm việc tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và vùng có dịch để có phương án giải quyết việc làm.
Bà Đặng Thị Thương, Phó phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện cho hay: Qua thống kê, có khoảng 2.000 lao động trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nhằm đảm bảo phòng dịch, sau khi rà soát danh sách, chúng tôi đã thành lập nhóm Zalo kết nối với người lao động bị thất nghiệp hoặc thiếu việc làm để tư vấn về các chế độ chính sách hỗ trợ của Nhà nước; tư vấn, giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp trong tỉnh hoặc phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Đồng thời, chúng tôi cũng tuyên truyền, vận động người lao động nên tiếp tục quay trở lại làm việc tại công ty cũ nếu đơn vị đó vẫn tạo được việc làm và chi trả đủ chế độ.
Nhờ các giải pháp linh hoạt, đồng bộ, trong năm, huyện Phú Lương đã tạo việc làm cho 2.757 lao động (vượt 72,3% kế hoạch); các đơn vị trong huyện đã tổ chức và phối hợp tổ chức mở được 27 lớp đào tạo nghề cho 845 học viên (đạt 105,63% kế hoạch).
Bà Đặng Thị Thương cho biết thêm: Thời gian tới, để thực hiện tốt hơn nữa công tác giải quyết việc làm, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm bằng nhiều hình thức để cung cấp cho người lao động những thông tin cần thiết về nhu cầu tuyển dụng, vị trí việc làm, công việc phù hợp; tăng cường liên kết đào tạo giữa cơ sở dạy nghề với các doanh nghiệp trong và ngoài huyện để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề và giải quyết việc làm…