Những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, thị trường lao động trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu phục hồi tích cực. Nhiều giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư tiếp tục được các cấp, ngành triển khai, góp phần thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Theo ông Bùi Tiến Đạt, Trưởng Phòng Thông tin thị trường (Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh): Các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài tỉnh có dấu hiệu khởi sắc, đồng nghĩa sẽ tăng nhu cầu tuyển dụng nhân lực, nhu cầu việc làm của người lao động (NLĐ). Tại thời điểm này, các lĩnh vực sản xuất, chế tạo, may mặc tạo ra nhiều việc làm hơn so với một số lĩnh vực sản xuất khác. Đây cũng là cơ hội tốt cho đông đảo NLĐ, trong đó có đội ngũ học sinh, sinh viên mới ra trường, lao động chuyển đổi nghề nghệp, lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Dự kiến, nhu cầu nhân lực trong trong 3 tháng đầu năm vào khoảng 10.000 lao động, tập trung ở các nhóm ngành sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, may mặc, công nghệ, nhựa, bao bì, bán hàng, mộc, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng.
Để thích ứng an toàn với tình hình mới, các DN và NLĐ cơ bản được kết nối qua các giao dịch trực tuyến. Điển hình là sàn giao dịch do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức.
Trong năm 2021, Trung tâm đã tổ chức 78 phiên giao dịch việc làm, trong đó có 10 phiên giao dịch việc làm trực tuyến. 22.000 lượt người được tư vấn miễn phí về việc làm và nghề học, hơn 3.500 lao động được giới thiệu, kết nối việc làm. 530 lượt DN ngoài tỉnh được Trung tâm hỗ trợ, hơn 4.000 lao động được kết nối, tìm hiểu thông tin và nhiều lao động đã có việc làm mới.
Người lao động Công ty CP Vật liệu chịu lửa Thái Nguyên nghiêm túc chấp hành các quy định về an toàn VSLĐ.
Hình thức giao dịch trực tuyến đã hạn chế được việc tập trung đông người, giảm chi phí và thời gian đi lại cho NLĐ, hạn chế tiếp xúc gần giữa NLĐ và nhà tuyển dụng. Cũng qua sàn giao dịch việc làm trực tuyến, các DN như: Công ty TNHH Shint BVT, Công ty TNHH Glonics Việt Nam, Công ty TNHH SR Tech... có số lượng lớn NLĐ trong, ngoài tỉnh quan tâm tìm hiểu, có nguyện vọng “đầu quân” vào làm việc.
Qua tìm hiểu của chúng tôi: Đầu năm 2022, ngoài nguồn lao động đang sinh sống trên địa bàn tỉnh còn có một lực lượng lao động lớn, với khoảng hơn 10.000 NLĐ từ các tỉnh bùng phát dịch bệnh mạnh trở về địa phương trong năm 2021, hàng nghìn NLĐ ở các tỉnh vùng núi phía Bắc có nhu cầu đăng ký tìm việc tại Thái Nguyên.
Trong đó, có khoảng 90% NLĐ có nhu cầu tìm việc làm tại các khu công nghiệp của tỉnh. Về phía người sử dụng lao động, có hơn 4.700 DN đăng ký tuyển dụng, trong đó gần 2.400 công ty TNHH, hơn 1.000 công ty cổ phần không có vốn Nhà nước, gần 1.000 DN tư nhân…
Tuy nhiên, DN trên địa bàn tỉnh đa phần là DN vừa và nhỏ, trong đó DN sử dụng dưới 10 NLĐ chiếm hơn 66%, DN sử dụng từ 10 đến dưới 100 NLĐ chiếm 26%. Chỉ có gần 8% DN đang sử dụng từ 100 NLĐ trở lên.
Trong tuyển dụng lao động tại các DN thì có đến 95% chỉ tiêu là lao động phổ thông, 5% còn lại là lao động có trình độ cao, như phiên dịch, nhân viên kinh doanh, công nghệ thông tin và quản lý điều hành.
Để đáp ứng cung - cầu trong thị trường lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tiếp tục phối hợp cùng các DN thông tin về vị trí việc làm trống. Đồng thời phối hợp với các cấp, ngành, địa phương thực hiện tuyên truyền, khảo sát về nhu cầu việc làm của NLĐ. Ứng dụng công nghệ thông tin, làm nhịp cầu nối tiện ích, hiệu quả trong thị trường lao động thông qua mạng xã hội Zalo, Internet, Fanpage, Website của Trung tâm... Bảo đảm cung cấp thông tin thị trường lao động, thông tin về lao động - việc làm trong và ngoài nước, đào tạo nghề, bảo hiểm thất nghiệp đến đông đảo NLĐ và người sử dụng lao động trong, ngoài tỉnh nhanh nhất.