Hơn 2 năm với 4 đợt dịch COVID - 19, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã từng bước thích nghi, hoạt động ổn định, hiệu quả. Hầu hết DN đều xây dựng được kịch bản sát với diễn biến dịch để vừa kiểm soát, vừa sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt là nguồn nhân lực làm việc tại các DN liên tục được bổ sung, thay thế, bảo đảm vị trí việc làm không bị bỏ trống. Để đạt được kết quả này phải kể đến việc kết nối hiệu quả giữa DN và người lao động (NLĐ) thông qua tổ chức sàn giao dịch việc làm (GDVL).
Để mở rộng sản xuất, kinh doanh, đáp ứng thời gian trả đơn hàng với đối tác, ngay từ những ngày đầu năm, các DN đã triển khai tuyển dụng nhân lực. Theo số liệu tổng hợp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Từ cuối tháng 1-2022, các DN đã đăng ký tuyển dụng hơn 10.500 chỉ tiêu, với hơn 100 vị trí việc làm. Riêng các khu công nghiệp tỉnh có 31 DN lên kế hoạch tuyển dụng mới khoảng 5.000 lao động, và đã tuyển được gần 2.600 lao động.
Chúng tôi còn được biết: Ngoài một lượng lớn NLĐ từ các trường nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học... tốt nghiệp hằng năm, hiện thị trường lao động tỉnh còn được bổ sung khoảng 10.000 NLĐ từ các tỉnh bùng phát dịch bệnh mạnh trở về địa phương từ năm trước. Khoảng 90% trong số họ có nhu cầu tìm hiểu thông tin, tìm kiếm việc làm phù hợp để quay lại thị trường lao động. Ngoài ra còn có nhiều NLĐ từ các tỉnh miền Trung, các tỉnh vùng núi phía Bắc về Thái Nguyên tìm cơ hội việc làm. Tất cả tạo nên một nguồn lực lao động dồi dào, sẵn sàng bổ sung cho DN.
Thái Nguyên được coi là một trong những tỉnh có nhiều cơ hội việc làm cho NLĐ. Với số lượng hơn 1.500 DN công nghiệp, chủ yếu thuộc các ngành nghề: Xây dựng, công nghiệp chế biến, chế tạo, khai khoáng và gần 3.000 DN dịch vụ, chủ yếu à lĩnh vực: Vận tải, kho bãi, bán buôn bán lẻ, giáo dục và đào tạo; hơn 50.000 lao động đang làm việc ở công ty cổ phần không có vốn Nhà nước; gần 164.000 lao động đang làm việc tại doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài.
Đáp ứng cung - cầu thị trường lao động, những năm gần đây Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh không ngừng đổi mới, năng động, linh hoạt và tổ chức các phiên GDVL phù hợp với từng thời điểm cụ thể.
Bà Phạm Như Thùy, Giám đốc Trung tâm chia sẻ: Chúng tôi làm việc hết mình với mong muốn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho DN và NLĐ. Chính vì thế mà hơn 2 năm gần đây, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, sàn GDVL của Trung tâm vẫn duy trì, huy động được nhiều DN và NLĐ tham gia.
Bên lề một phiên GDVL, ông Tống Nguyên Phúc, Công ty cổ phần Đào tạo và Hợp tác quốc tế Nisshin (Hà Nội), chia sẻ: Qua kết nối tại sàn GDVL Thái Nguyên, chúng tôi nhận được sự hợp tác của đông đảo NLĐ các tỉnh vùng Đông Bắc. Đây là tín hiệu tốt để chúng tôi có cơ sở thực hiện tiếp các bước phỏng vấn và chính thức tuyển dụng nhân sự…
Hiện tỉnh có trên 214.000 người lao động đang làm việc tại hơn 4.500 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp và dịch vụ.
Với chủ trương “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, cũng như cả nước, Thái Nguyên nới lỏng hơn việc thực hiện giãn cách xã hội trong phòng, chống dịch. Đây là cơ hội tốt để thị trường lao động nhanh chóng phục hồi với không khí ấm áp, thân thiện trở lại.
Tuy nhiên trong 3 tháng đầu năm 2022, Trung tâm còn dè dặt, mới tổ chức 2 phiên GDVL online. Nhưng phạm vi được mở rộng ra nhiều tỉnh, thành trên cả nước, giúp DN và NLĐ trong, ngoài tỉnh có thêm cơ hội lựa chọn.
Thạc sĩ Bùi Tiến Đạt, Trưởng Phòng Thông tin thị trường của Trung tâm cho biết: Dịch dã trong 2 năm vừa qua phức tạp, nhưng không làm các hoạt động của Trung tâm bị đảo lộn. Các GDVL kết nối hiệu quả, được DN và NLD đánh giá cao.
Còn ông Nguyễn Văn Khoa, đại diện Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam (Hải Dương) cho biết: Công ty cần tuyển 1.000 chỉ tiêu với mức lương từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng.
Nisshin (Hà Nội) và Brother Việt Nam (Hải Dương) là hai trong số hàng trăm doanh nghiệp trực tiếp, hoặc ủy thác tuyển dụng lao động thông qua Trung tâm, và Trung tâm đã kết nối, tạo thuận lợi cho DN tuyển chọn được một lực lượng đông đảo NLĐ phù hợp với từng vị trí việc làm.
Cũng từ đầu năm 2020 đến hết năm 2021, Trung tâm đã tổ chức thành công hơn 10 ngày hội việc làm cấp tỉnh, cấp huyện, thu hút gần 5.000 lượt người tham gia. Trung tâm cũng đã tổ chức thành công hơn 200 phiên GDVL, trong đó: 70 phiên GDVL định kỳ; 112 phiên GDVL lưu động; 25 phiên GDVL trực tuyến; 24 hội nghị định hướng nghề nghiệp, kết nối việc làm. Tổng các phiên giao dịch thu hút gần 1.000 lượt DN và hơn 100.000 lượt NLĐ tham gia.
Nhằm thực hiện tốt vai trò kết nối cung - cầu lao động, các sàn GDVL được Trung tâm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động. Chú trọng đổi mới, đa dạng hóa các hình thức kết nối việc làm gián tiếp thông qua ứng dụng công nghệ.
Trong năm 2021, sàn GDVL tỉnh đã hỗ trợ cho trên 530 lượt DN thuộc các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nội, Thanh Hóa, Bắc Kạn... Đồng thời có hơn 4.000 lao động được kết nối, tìm hiểu thông tin sơ tuyển, tuyển dụng lao động, tìm kiếm việc làm.
Thông qua các phiên GDVL, Trung tâm đã cung cấp thông tin, tư vấn miễn phí cho trên 50.000 lượt người về thị trường lao động; về việc làm và nghề học, trong đó có gần 32.000 lượt NLĐ đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Gần 1.300 NLĐ được Trung tâm giới thiệu việc làm thành công, trong đó có gần 800 NLĐ đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp, gần 100 người có quyết định hỗ trợ học nghề.
Qua phân tích thị trường lao động, điều dễ nhận thấy là các DN ở quy mô lớn luôn mang lại lực hấp dẫn cao đối với NLĐ… Tại các sàn GDVL có hơn 94% lao động phổ thông được DN tuyển dụng; hơn 5% lao động có tay nghề ở trình độ rất thấp được tuyển dụng vào làm việc.
Dự kiến từ tháng 4-2022 đến hết năm, các ngày hội việc làm, sàn GDVL truyền thống của tỉnh sẽ được mở trở lại. Việc kết nối thị trường lao động thông qua phiên GDVL, sàn GDVL của tỉnh mang lại cho DN và NLĐ nhiều cơ hội phát triển. Góp phần cùng tỉnh và cả nước nhanh chóng hồi phục kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.