Nâng cao ý thức an toàn vệ sinh lao động

06:38, 29/05/2022

Nâng cao ý thức về an toàn vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) cho người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ)  là một giải pháp quan trọng để doanh nghiệp tạo dựng uy tín, thương hiệu, củng cố vững chắc niềm tin với đối tác và NLĐ. Hơn thế, đây là cách hữu hiệu giúp doanh nghiệp giảm chi phí do những rủi ro không đáng có mang lại.

Ông Phạm Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (TB&XH), Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng AT-VSLĐ tỉnh cho biết: Để nâng cao ý thức cho người sử dụng lao động và NLĐ, Hội đồng AT-VSLĐ tỉnh thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về AT-VSLĐ tại các doanh nghiệp. Qua đó kịp thời hướng dẫn doanh nghiệp chấp hành đúng quy định của pháp luật, đồng thời chỉ ra các vi phạm, thiếu sót trong công tác AT-VSLĐ và phòng, chống cháy nổ; giúp doanh nghiệp rà soát, bổ sung, hoàn thiện các nội quy, quy trình, biện pháp kỹ thuật an toàn trong sản xuất, kinh doanh.

Nếu như trước, nhiều doanh nghiệp tiết kiệm kinh phí, hạn chế đầu tư cho AT-VSLĐ, thì những năm gần đây đã có sự đổi mới tư duy, đặt AT-VSLĐ lên hàng đầu. Bởi nếu TNLĐ xảy ra, doanh nghiệp phải gánh chịu hậu quả khôn lường. Không chỉ thiệt hại về người, tài sản, mà còn mất uy tín thương hiệu.

Nhờ vậy, số vụ TNLĐ, người bị tai nạn cũng giảm. Cụ thể năm 2021, trên toàn tỉnh xảy ra 102 vụ TNLĐ, làm 104 người bị tai nạn, giảm 36 vụ và 35 người bị nạn so với năm 2020. Trong đó có 15 vụ đặc biệt nghiêm trọng làm 16 người chết; tăng 3 vụ, 4 người chết so với năm 2020.

Chia sẻ với chúng tôi về công tác AT-VSLĐ, ông Phan Chiến Thắng, Giám đốc Truyền thông, Quan hệ đối ngoại và cộng đồng, Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo (Đại Từ) cho biết: Công ty có hơn 1.000 NLĐ. Công ty bảo đảm cho NLĐ được hưởng đầy đủ các chế độ chính sách theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, công tác AT-VSLĐ được Công ty quan tâm số một. Song sự cố vẫn xảy ra ngoài ý muốn. Đã có 4 vụ tai nạn lao động, làm 4 người bị thương trong thời gian từ đầu năm 2021 đến trung tuần tháng 5 năm này.

Từ nhận thức rõ hậu quả khôn lường do mất AT-VSLĐ, nên đại đa số doanh nghiệp đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức cho NLĐ tham gia các lớp huấn luyện về AT-VSLĐ.

Ví như năm 2021, cơ quan chức năng đã phối với doanh nghiệp tổ chức huấn luyện về AT-VSLĐ cho gần 107.000 người; thực hiện kiểm định hơn 5.000 máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về AT-VSLĐ.

Các doanh nghiệp cũng đã chủ động hơn tới việc quản lý môi trường lao động; kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc. Ông Vũ Xuân Trình, Phó Giám đốc Công ty Công nghiệp hóa chất mỏ Thái Nguyên cho biết: Công ty có 103 người lao động. Nhằm hạn chế sự cố không mong muốn, Công ty tuân thủ đầy đủ các quy định của Nhà nước về công tác AT-VSLĐ, như kiểm định kỹ thuật an toàn định kỳ đối với các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ, cấp phát phương tiện bảo vệ cá nhân, thường xuyên tổ chức huấn luyện cho NLĐ về công tác AT-VSLĐ.

Chuyện AT-VSLĐ, ông Park Myungseok, Tổng Giám đốc Công ty TNHH WoojinQPD Vina (TP. Phổ Yên) chia sẻ: Công ty thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước Việt Nam về công tác AT-VSLĐ. Toàn bộ NLĐ trong Công ty được quán triệt đầy đủ nội quy, quy chế AT-VSLĐ.

Còn bà Lương Thị Thu Thảo, Giám đốc Chi nhánh Công ty CP Giấy Trường Xuân (TP. Phổ Yên) cho biết: Trong sản xuất, kinh doanh, Công ty không vì lợi nhuận mà bất chấp mọi giá. Kể cả lúc gặp khó khăn nhất, Công ty cũng luôn quan tâm chăm lo đến quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ, tạo cho người lao động được làm việc trong môi trường an toàn…

Sau đại dịch COVID-19, cơ hội mới mở ra giúp các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhưng nguy cơ mất AT-VSLĐ cũng có thể gia tăng. Trước thách thức mới về đảm bảo AT-VSLĐ, các cấp, ngành, đơn vị chức năng cần tích cực vào cuộc, đồng hành với doanh nghiệp; phối hợp cùng doanh nghiệp, NLĐ tăng cường kiểm soát, triển khai các giải pháp giảm thiểu rủi ro vì mất AT-VSLĐ.