Dịch COVID - 19 được kiểm soát, các hoạt động kinh tế - xã hội nhanh chóng phục hồi. Với nhiều doanh nghiệp, cơ hội mới được mở ra nhưng phải đối diện với “cơn khát” lao động.
Kể cả trong bối cảnh đại dịch COVID - 19 có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, Thái Nguyên vẫn là một địa chỉ có sức hút đối với các doanh nghiệp trong, ngoài nước tới đầu tư, hợp tác phát triển. Nhất là sang giai đoạn thích ứng linh hoạt với tình hình mới, Thái Nguyên tiếp tục là “thỏi nam châm” hút các nhà đầu tư.
Hiện, trên địa bàn tỉnh có hơn 4.700 doanh nghiệp đang hoạt động. Riêng trong quý I có 177 doanh nghiệp được cấp mới đăng ký sản xuất, kinh doanh, với tổng số vốn đăng ký hơn 2.361 tỷ đồng, tăng 19,6% về số doanh nghiệp và tăng 22,2% về số vốn đăng ký mới so với cùng kỳ năm trước.
TP. Thái Nguyên có số doanh nghiệp đăng ký mới nhiều nhất, 96 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký hơn 1.136 tỷ đồng (chiếm 54,2% về tổng số doanh nghiệp đăng ký và 48,1% về tổng số vốn đăng ký).
TP. Phổ Yên có 33 doanh nghiệp đăng ký mới, với số vốn đăng ký hơn 238 tỷ đồng.
TP. Sông Công có 14 doanh nghiệp đăng ký, với số vốn đăng ký gần 72 tỷ đồng. Các huyện còn lại (trừ Võ Nhai) đều có doanh nghiệp đăng ký mới…
Đặc biệt, trong quý I toàn tỉnh có 247 doanh nghiệp trước đó tạm ngừng sản xuất nay đã hoạt động trở lại, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm trước.
Về tình hình người lao động (NLĐ): So với các tỉnh, thành phố trên cả nước, Thái Nguyên là địa phương có nhiều lợi thế hơn. Ngay sau kì nghỉ Tết Nguyên đán, tỷ lệ NLĐ trở lại vị trí làm việc đạt cao: 99,8% ngoài khu công nghiệp và 98% trong khu công nghiệp.
Số lao động chưa trở lại làm việc chủ yếu do nghỉ phép, thai sản. Tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất, hoặc nhân lực thay thế, bổ sung, hầu hết các doanh nghiệp vẫn ở tình trạng “khát” lao động.
Nhiều doanh nghiệp có chính sách tốt để giữ chân người lao động. Ảnh chụp tại Chi nhánh Công ty CP Giấy Trường Xuân (TP. Phổ Yên).
Trong Tuần kết nối cung - cầu lao động do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức vào cuối tháng 4, các doanh nghiệp đăng ký nhu cầu cần tuyển ngay hơn 13.000 chỉ tiêu.
Trước đó, phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối với 6 tỉnh, thành phía Bắc được tổ chức vào trung tuần tháng 3, tổng lao động các doanh nghiệp cần tuyển ngay là hơn 15.000 người.
Trong quý II, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh có 32 doanh nghiệp và 2 thị trường lao động xuất khẩu ra nước ngoài là Đài Loan và Nhật Bản đăng ký cần tuyển dụng hơn 21.000 lao động. Chủ yếu là sản xuất linh kiện điện tử; lắp ráp linh kiện máy in; may công nghiệp; lắp ráp tai nghe, linh kiện điện thoại; sản xuất linh kiện ô tô; nhân viên tư vấn tài chính bảo hiểm; hộ lý, dưỡng lão, giúp việc gia đình.
Những doanh nghiệp đăng ký tuyển nhiều lao động có thể kể đến như: Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải - Foxconn (Bắc Giang) cần tuyển 2.000 lao động; Công ty TNHH Newwing Interconnect Technology (Bắc Giang) cần tuyển 10.000 lao động; Công ty TNHH SR-TECH và Công ty TNHH KET cùng ở TP. Sông Công cần tuyển 500 lao động/doanh nghiệp; Công ty TNHH KSD Vina (Phú Bình) cần tuyển 200 lao động; Công ty TNHH Glonics Việt Nam (TP. Thái Nguyên) cần tuyển 200 lao động…
Để thu hút NLĐ, nhiều doanh nghiệp có chính sách tốt cho công nhân. Như ngoài mức lương theo thỏa thuận, doanh nghiệp còn cam kết hỗ trợ cho NLĐ được test COVID - 19, hỗ trợ ăn ca miễn phí, được tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN.
Điển hình như Công ty Newwing Interconnect Technology, ngoài được tham gia BHXH, BHYT, BHTN, người lao động được đóng bảo hiểm ngay trong tháng thử việc, miễn phí xét nghiệm RT-PCR, khám sức khỏe, ở kí túc xá hiện đại, đầy đủ tiện nghi.
Công ty CP Đầu tư quốc tế Thagaco (Đại Từ - Thái Nguyên) còn có tiền phụ cấp chuyên cần 9,6 triệu đồng/năm, xăng xe gần 5 triệu đồng/năm; từng tháng, quý, năm đều có phần thưởng theo hạng A, B, C; tiền thưởng vượt năng suất, tiền phụ cấp nuôi con nhỏ và có môi trường làm việc mát mẻ.
Còn Công ty THHH Seung Woo Vina (TP. Phổ Yên) có chính sách tăng lương theo kì (1 năm 2 lần vào tháng 1 và tháng 7). Cùng đó là các chế độ phúc lợi tốt như sinh nhật, hiếu, hỷ, thưởng tháng lương thứ 13 bằng 120% mức lương hằng tháng.
Với Công ty THHH Thương mại và Dịch vụ Quảng Cáo Hiệp Hậu (TP. Phổ Yên), NLĐ làm việc 8 giờ/ngày, phát sinh tính tăng ca 30.000đ/h; tháng làm việc 28 ngày, 2 ngày nghỉ được hưởng lương.
Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cụ thể hơn bằng mức thu nhập. Như đi Đài Loan có mức lương từ 20 đến 25 triệu đồng/người/tháng; đi Nhật Bản có mức lương từ 28 triệu đồng đến 35 triệu đồng/người/tháng.
Để giúp doanh nghiệp “giải cơn khát” lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tích cực kết nối giữa nhà tuyển dụng và NLĐ thông qua các phiên giao dịch việc làm. Tổ chức khảo sát nguồn nhân lực tại địa phương; nhu cầu về nhân lực của doanh nghiệp. Tăng cường tuyên truyền đến NLĐ về Bộ Luật lao động và các chính sách liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ và người sử dụng lao động.