Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực dệt may thu hút một lượng lớn người lao động (NLĐ). Vì thế nhằm hạn chế việc NLĐ “nhảy”việc ảnh hưởng đến tính ổn định trong sản xuất của các doanh nghiệp, Công đoàn ngành Công thương tỉnh đã lựa chọn 3 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may để ký thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) nhóm. Đây là TƯLĐTT nhóm ngành đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Với bản TƯLĐTT cùng chế độ sẽ đem lại lợi ích nhiều hơn cho NLĐ trong thời gian tới.
TƯLĐTT là văn bản thỏa thuận giữa tập thể NLĐ và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động mà hai bên đã đạt được thông qua thương lượng tập thể. Trong những năm qua, việc thực hiện TƯLĐTT trong các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp dệt may nói riêng trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao chất lượng công việc, trách nhiệm, cũng như quyền lợi cụ thể của NLĐ. Chính vì thế, ngoài thực hiện tốt các chế độ theo quy định, NLĐ còn được hưởng thêm nhiều quyền lợi về lương, thưởng, thời gian nghỉ ngơi, đảm bảo an toàn lao động, chế độ phúc lợi thông qua TƯLĐTT.
Tuy nhiên, vẫn xảy ra tình trạng NLĐ chuyển qua lại giữa các công ty do mỗi doanh nghiệp có điều kiện làm việc, các chế độ phúc lợi khác nhau. Nhằm khắc phục tình trạng này, giúp duy trì mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các doanh nghiệp và nâng chất lượng lao động ngành dệt may của tỉnh, tháng 4 vừa qua, Công đoàn ngành Công thương tỉnh và 3 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may gồm: Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT, Công ty CP Đầu tư Quốc tế Thagaco đã xây dựng một bản TƯLĐTT chung.
Bản thỏa ước có 16 điều, trong đó có trên 20 khoản có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật như: Việc làm của NLĐ tại các doanh nghiệp may; chế độ phúc lợi (tiền lương, tiền thưởng, chế độ ăn giữa ca, chế độ bảo hiểm lao động, tham quan nghỉ mát...); thời giờ làm việc và thời gian nghỉ ngơi, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, cải thiện điều kiện làm việc…
Bà Hà Thị Thu Huyền, Chủ tịch Công đoàn ngành Công thương tỉnh cho biết: Thông qua thỏa ước sẽ có trên 17.000 NLĐ tại 3 doanh nghiệp được hưởng lợi, với tổng số tiền làm lợi mỗi tháng khoảng 15 tỷ đồng. Trong 3 năm thực hiện thoả ước, số tiền làm lợi cho NLĐ khoảng trên 500 tỷ đồng.
Chia sẻ về hiệu quả mà TƯLĐTT nhóm ngành đem lại, ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, chia sẻ: Việc ký thỏa ước lao động nhóm ngành là bước đi cần thiết để cụ thể hóa, văn bản hóa các chế độ được hưởng tốt hơn luật. NLĐ tại đơn vị rất vui mừng khi có một TƯLĐTT theo ngành, thay vì các đơn vị riêng lẻ thực hiện như trước đây. Khi mà NLĐ cùng nhóm ngành được hưởng chế độ chính sách tốt như nhau thì sẽ giúp ổn định việc làm, thu nhập cho NLĐ.
Còn bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Đầu tư Quốc tế Thagaco, cho hay: TƯLĐTT nhóm ngành may mặc có ý nghĩa quan trọng trong việc gắn kết giữa các doanh nghiệp, cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm trong việc đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Đồng thời, giúp NLĐ yên tâm lao động, nâng cao năng suất, chất lượng làm việc, góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Công đoàn ngành Công thương tỉnh hiện có 32 công đoàn cơ sở với gần 6.000 đoàn viên, NLĐ. Thời gian qua, Công đoàn ngành đã có hoạt động vì quyền lợi của NLĐ và sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp. Bà Hà Thị Thu Huyền cho biết thêm: Thời gian tới chúng tôi sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện các điều trong bản thỏa ước tại các doanh nghiệp, sơ kết, tổng kết việc thực hiện TƯLĐTT. Đồng thời, tiếp tục đàm phán và ký TƯLĐTT nhóm ngành với các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác.