Rút bảo hiểm xã hội 1 lần, lợi ít - thiệt nhiều

04:38, 17/06/2022

Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 làm không ít doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, tạm ngừng hoạt động, giãn cách công việc. Theo đó, nhiều người lao động (NLĐ) bị mất việc làm. Để giải quyết khó khăn trước mắt, nhiều NLĐ đã xin rút trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần để trang trải cuộc sống trước mắt, dù biết lợi ít - thiệt nhiều.

Theo số liệu tổng hợp của BHXH tỉnh Thái Nguyên, năm 2021 trên toàn tỉnh có hơn 7.900 người được giải quyết chế độ hưởng trợ cấp BHXH một lần, với tổng số tiền BHXH chi trả hơn 257 tỷ đồng. Tuy nhiên, số người xin hưởng trợ cấp 1 lần chưa có tín hiệu dừng. Riêng 5 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có hơn 3.700 người được giải quyết hưởng trợ cấp BHXH một lần theo quy định, với tổng số tiền gần 133 tỷ đồng, tăng 265 người so với cùng kỳ của năm 2021, số tiền chi trả cũng tăng gần 28 tỷ đồng.

Hầu hết NLĐ nhận trợ cấp BHXH 1 lần có độ tuổi trung bình từ 40 trở xuống. Họ từng có một thời gian nhất định làm việc tại các doanh nghiệp. Họ lâm cảnh khó khăn do doanh nghiệp cho nghỉ việc, hoặc bản thân tự xin nghỉ việc để chăm lo việc gia đình và tìm cơ hội việc làm mới mang lại thu nhập cao hơn.

Chị Nguyễn Thị Luyến, xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên), cho biết: Tôi làm việc tại Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG được gần 7 năm nay. Vì lý do sức khỏe, áp lực công việc nhiều nên tôi xin nghỉ ở nhà làm ruộng, chăm con. Số tiền trợ cấp BHXH 1 lần tôi được lấy không nhiều, song cũng đủ hỗ trợ cho gia đình tôi vượt qua khó khăn trước mắt.

Hỏi chuyện rút tiền trợ cấp BHXH 1 lần, chị Trần Thị Hoài, xã Phấn Mễ (Phú Lương), chia sẻ: Tôi làm nhân viên Công ty Bảo hiểm Bảo Long được hơn 5 năm. Tôi thôi việc Công ty với ý định sẽ xin việc làm ở một đơn vị khác. Nhưng sau gần nửa năm không tìm được việc làm mới, thu nhập không có nên mới phải rút trợ cấp BHXH 1 lần để trang trải cuộc sống hiện tại.

Qua tìm hiểu, chúng tôi còn được biết: Trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp cơ bản tham gia đóng góp đầy đủ các loại bảo hiểm cho NLĐ, trong đó có BHXH. Tuy nhiên, còn có doanh nghiệp thỏa thuận với NLĐ chỉ tham gia BHXH ở mức tối thiểu. Điều đó thể hiện không ít doanh nghiệp chưa thực quan tâm đến tương lai của NLĐ. Bản thân NLĐ cũng không quan tâm đến tương lai của mình khi về già, mới coi trọng số tiền lương được nhận trước mắt.

Mức tham gia BHXH do doanh nghiệp và NLĐ cùng đóng góp để nhằm bảo đảm an sinh xã hội. Dù không nhiều, nhưng vẫn được coi là tiền tích lũy cho NLĐ sinh sống khi về già. Anh Ma Văn Bình, xã Phượng Tiến (Định Hóa), chia sẻ: Rút tiền trợ cấp BHXH 1 lần khác nào mình ăn mất phần tích lũy của tương lai. Nhưng không rút, lấy gì tiêu. Còn chị Lưu Thị Hương, xã Tiên Phong (TP. Phổ Yên) cũng cho biết: Tôi làm việc cho doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Tôi thường xuyên làm thêm giờ, tăng ca mới có được mức lương 10 triệu đồng/tháng. Tôi đã cố gắng làm hết thời hạn hợp đồng 3 năm với công ty, xong không dám đi làm tiếp cho một công ty nào vì sợ không thể theo nổi. Cũng vì thế tôi rút tiền trợ cấp BHXH 1 lần để thêm thắt vốn liếng kinh doanh tại nhà.

Bởi không còn cách nào khác, nhiều NLĐ chấp nhận “ăn tiền của tương lai”. Thực tế minh chứng đã có không ít người sau khi nhận trợ cấp BHXH 1 lần, khi về già không còn sức lao động, trở thành “hộ nghèo bền vững” tại địa phương. Tận khi ấy họ mới thở dài: Giá như ngày còn trẻ, không vội vã rút tiền trợ cấp BHXH một lần, thì già yếu vẫn làm chủ được cuộc sống của mình, chí ít là tiền lương hưu được lĩnh hằng tháng, được hưởng quyền lợi thẻ bảo hiểm y tế (95%) không may bị ốm đau phải điều trị bệnh.

(Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)