Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp nhằm tạo việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân và phát triển các ngành nghề nông thôn. Những năm qua, công tác này đã được huyện Phú Lương triển khai hiệu quả, góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Hoạt động hướng nghiệp, tư vấn đào tạo nghề cho học sinh THPT trên địa bàn huyện Phú Lương được tổ chức thường xuyên. |
Huyện Phú Lương có hơn 100 nghìn nhân khẩu, trong đó số người trong độ tuổi lao động là trên 75,5 nghìn người (chiếm khoảng 68% dân số). Nhằm tạo thêm nhiều việc làm và sinh kế bền vững cho người lao động, những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện đã được triển khai đúng trọng tâm, trọng điểm.
Hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đạt trên 70%, trong đó trên 33,9% có bằng cấp chứng chỉ. Theo đánh giá, 100% lao động sau khi được đào tạo thành thạo kỹ năng nghề đã áp dụng hiệu quả kiến thức vào thực tế...
Chị Phan Thị Kim Thêu, ở xóm Thâm Trung, xã Ôn Lương, là một trong những lao động được đào tạo nghề và áp dụng hiệu quả trong chăn nuôi tại gia đình. Mặc dù đã có kinh nghiệm chăn nuôi nhiều năm, nhưng chị Thêu lại chưa có kiến thức khoa học về thuốc thú y nên khi lợn mắc bệnh, chị đều phải nhờ đến cán bộ thú y. Đầu năm nay, khi tham gia lớp dạy nghề thú y tổ chức ngay tại xã, chị đã có thể áp dụng ngay vào việc chăn nuôi của gia đình.
Chị Thêu chia sẻ: Nhờ có thời gian thực hành lên đến 70% nên ngay sau khi kết thúc khóa học, tôi đã thành thạo các kỹ năng. Hiện nay, tôi có thể chữa trị phần lớn bệnh phổ biến trên đàn lợn, qua đó vừa tiết kiệm chi phí lại chủ động trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, tôi còn được hướng dẫn phương pháp thiết kế, xây dựng chuồng trại; kỹ thuật chăm sóc, chế biến khẩu phần ăn cho từng giai đoạn phát triển của vật nuôi; cách xử lý chất thải chăn nuôi… Thời gian tới, tôi dự định mở rộng quy mô chăn nuôi.
Còn bà Phạm Thị Quế, ở xóm Gốc Cọ, xã Tức Tranh, cho biết: Sau khi học nghề và triển khai trồng chè theo hướng hữu cơ từ khoảng gần một năm nay, sản phẩm chè của gia đình tôi được thị trường ưa chuộng hơn và có giá cao hơn so với trước kia. Hiện nay, nhà tôi đang bán cho thương lái với giá 200-300 nghìn đồng/kg chè búp khô.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, hằng năm, UBND huyện Phú Lương đều xây dựng kế hoạch, phân công từng đơn vị rà soát nhu cầu học nghề và hỗ trợ việc làm của người dân. Từ đó phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề, trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp... để tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động.
Bình quân mỗi năm, huyện Phú Lương có trên 2.000 lao động được tham gia các lớp đào tạo. Trong đó, huyện ưu tiên lao động ở khu vực nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số và những hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Một số nghề được người lao động thường xuyên lựa chọn như: Kỹ thuật chăn nuôi gà, lợn; thú y; sửa chữa máy nông nghiệp; trồng chè; trồng rau an toàn; sửa chữa điện dân dụng; tin học ứng dụng… Về hình thức đào tạo nghề cũng được đa dạng hóa, từ tập trung tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến đào tạo lưu động tại các xóm.
Công tác đào tạo nghề đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Hiện nay, toàn huyện còn 736 hộ nghèo (bằng 2,68%), giảm 317 hộ so với năm 2022, vượt 0,36% kế hoạch tỉnh giao; hộ cận nghèo giảm còn 790 hộ (bằng 2,88%).
Ông Lê Văn Trọng, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phú Lương, cho biết: Mục tiêu của chúng tôi là tất cả lao động nông thôn có nhu cầu đều được tham gia học nghề, được trang bị đầy đủ những kiến thức cơ bản theo từng ngành nghề đào tạo và tham gia thực hành để vận dụng vào quá trình phát triển sản xuất tại gia đình, được tư vấn nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm hoặc tự tạo việc làm. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trình độ canh tác của bà con nhân dân…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin