Doanh nghiệp xoay sở tạo việc làm cho người lao động

Minh Phương 12:47, 27/11/2023

Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, không ít doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh phải tạm dừng hoặc thu hẹp quy mô sản xuất, khiến một bộ phận không nhỏ người lao động (NLĐ) thiếu việc làm. Trước thực tế này, các DN trên địa bàn TP. Sông Công đã nỗ lực, chủ động thực hiện nhiều giải pháp nhằm duy trì sản xuất ổn định, đảm bảo việc làm, thu nhập cho NLĐ…

Sản xuất các sản phẩm cơ khí tại Công ty TNHH MTV Diesel Sông Công. Ảnh: T.L
Sản xuất các sản phẩm cơ khí tại Công ty TNHH MTV Diesel Sông Công. Ảnh: T.L

Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội DN tỉnh, tính đến hết quý III năm nay, toàn tỉnh có khoảng 30% DN đang tạm dừng hoạt động, giãn hoặc thay đổi kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Riêng trên địa bàn TP. Sông Công hiện có 2 khu công nghiệp (KCN) tập trung (Sông Công I, Sông Công II) và 4 cụm công nghiệp, với hơn 560 đơn vị, DN đang hoạt động. Các đơn vị này góp phần giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động trong và ngoài địa phương.

Trước tình hình khó khăn chung, các DN đều đang phải “căng mình” để ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm, đời sống cho NLĐ. Thậm chí, do gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm nên nhiều DN đã phải tìm cách bù lỗ mới có thể duy trì hoạt động sản xuất và giữ chân NLĐ.

Công ty CP Tory Việt Nam hiện đang hoạt động tại KCN Sông Công I, với ngành nghề sản xuất chính là gia công khuôn mẫu, tráng phủ kim loại, xử lý nhiệt… Dây chuyền sản xuất dụng cụ cầm tay (kìm) của Công ty có công suất 50 vạn sản phẩm/tháng, nhưng do các đơn hàng sụt giảm nên từ đầu năm đến nay, đơn vị chỉ duy trì sản xuất ở mức 10% năng lực sản suất. 10 tháng qua, doanh thu của Công ty đạt từ 1,8-2,2 tỷ đồng/tháng, giảm 30-40% việc làm so với những năm trước.

Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Tory Việt Nam, thông tin: Đơn hàng sụt giảm nhiều, để đảm bảo mức sống tối thiểu cho NLĐ, chúng tôi thực hiện giải pháp cho hơn 50 lao động luân phiên nhau nghỉ việc, giảm giờ làm với mức thu nhập ổn định khoảng 8 triệu đồng/người/tháng, giảm từ 2-3 triệu đồng so với năm trước.

Công ty CP Thép Toàn Thắng (TP. Sông Công) hiện đang tạo việc làm cho 600 lao động với mức thu nhập bình quân đạt trên 10 triệu đồng/người/tháng.
Công ty CP Thép Toàn Thắng (TP. Sông Công) hiện đang tạo việc làm cho 600 lao động với mức thu nhập bình quân đạt trên 10 triệu đồng/người/tháng.

Tương tự, tại Công ty CP Nhựa Việt Úc, tại KCN Sông Công I, với ngành nghề chính là sản xuất ống và phụ kiện nhựa dùng cho ngành cấp nước sạch. Do sụt giảm đơn hàng, từ tháng 10-2022 đơn vị đã dừng sản xuất, dự kiến đến tháng 6-2023 sẽ hoạt động trở lại nhưng thị trường ngày càng đi xuống nên đến nay DN vẫn chưa thể sản xuất trở lại.

Bà Dương Thị Nhãn, Giám đốc Công ty CP Nhựa Việt Úc, cho biết: Đến thời điểm này, các sản phẩm của Công ty vẫn chất đầy kho mà chưa thể xuất đi tiêu thụ. Để giữ chân NLĐ, Công ty bố trí cho lao động lau chùi sản phẩm, bảo trì, bảo dưỡng máy móc với mức thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng, giảm 3 triệu đồng/người/tháng so với trước. Ngoài ra, Công ty cũng giải quyết cho lao động làm thời vụ cho DN khác; hỗ trợ thêm thu nhập cho những công nhân có tay nghề lâu năm từ nguồn cho thuê nhà xưởng…

Trong bối cảnh khó khăn, nhiều DN trên địa bàn TP. Sông Công đang phải mở rộng các kênh tìm kiếm khách hàng mới, không phân biệt đơn hàng lớn hay nhỏ để đảm bảo việc làm, thu nhập cho NLĐ. Chia sẻ khó khăn với DN, anh Hoàng Gia Trọng, công nhân Nhà máy Thép Trường Sơn, cho biết: Trước khó khăn chung, chúng tôi rất chia sẻ với đơn vị của mình. Ngoài khoảng thời gian chia ca, kíp làm việc để bảo đảm công việc cho mọi người, Ban Giám đốc Công ty còn tranh thủ thời gian rảnh để tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng, trình độ tay nghề cho NLĐ.

Sản xuất dụng cụ cầm tay tại Công ty CP Sourcing Sông Công.
Sản xuất dụng cụ cầm tay tại Công ty CP Sourcing Sông Công.

Ông Hoàng Văn Minh, Chủ tịch Hội DN TP. Sông Công, cho biết: Từ tháng 9-2023 đến nay, tình hình sản xuất của các DN trên địa bàn đã có sự cải thiện đáng kể. Chính quyền địa phương đang đồng hành cùng cộng đồng DN triển khai các chương trình kết nối để tăng đơn hàng cho DN sản xuất công nghiệp.

Dự báo trong tháng cuối năm, sức mua vẫn hồi phục chậm, sản xuất còn gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt đơn hàng. Do đó, Hội DN TP. Sông Công khuyến nghị các DN bám sát tình hình thị trường xuất khẩu chủ lực để có kế hoạch sản xuất phù hợp, hiệu quả. Bên cạnh đó, các DN cũng cần đẩy mạnh việc kết nối tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa...