Những năm gần đây, cơ cấu lao động của huyện Phú Bình chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tăng dần tỷ trọng lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, giảm dần lĩnh vực nông nghiệp. Quá trình chuyển dịch này là phù hợp với định hướng phát triển của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân.
Nhờ chuyển dịch cơ cấu lao động, thu nhập của người dân trên địa bàn huyện ngày càng cao. |
Bà Lưu Thị Lan, Chi cục trưởng Chi cục Thống kê huyện Phú Bình, cho biết: Năm 2023, lực lượng lao động làm trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng trên địa bàn huyện là hơn 27.000 người (tăng trên 3 nghìn người so với năm 2020); lĩnh vực thương mại - dịch vụ hơn 9.300 người (tăng 1,5 nghìn người so với năm 2020). Đây là lực lượng chuyển dịch từ lao động nông nghiệp trên địa bàn huyện sang và một phần từ lao động ngoài huyện.
Ngoài ra, theo Chi cục trưởng Chi cục Thống kê huyện Phú Bình, năm 2023, diện tích cây trồng hằng năm, lâu năm trên địa bàn huyện là hơn 23.700ha, giảm trên 550ha so với năm 2020, cũng minh chứng phần nào cho sự chuyển dịch lao động. Bởi lẽ, sau khi nhường đất nông nghiệp cho các dự án, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, người dân được tạo điều kiện vào làm việc tại các doanh nghiệp hoặc tự tìm việc làm trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ phù hợp với bản thân.
Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực là do huyện Phú Bình đã triển khai đồng bộ giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ. Một trong những giải pháp được chú trọng là quy hoạch, xây dựng các khu, cụm công nghiệp.
Đến nay, huyện đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị lập quy hoạch 6 khu công nghiệp, 8 cụm công nghiệp. Trong đó, Cụm công nghiệp Kha Sơn và Khu công nghiệp Điềm Thụy đã đi vào hoạt động, thu hút nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Đơn cử như tại Cụm công nghiệp Kha Sơn, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG đang tạo việc làm ổn định cho gần 5.000 lao động.
Cùng với đó, Phú Bình quan tâm định hướng, giới thiệu việc làm cho lao động tại các công ty, doanh nghiệp. Hàng năm, UBND huyện giao phòng chuyên môn tăng cường thông tin thị trường lao động trên Cổng thông tin điện tử huyện, hệ thống truyền thanh và trang mạng xã hội của các hội, đoàn thể. Đồng thời phối hợp với các sở, ngành chuyên môn tổ chức ngày hội việc làm, kết nối khởi nghiệp và phiên giao dịch việc làm lưu động.
Tính riêng từ đầu năm đến nay, huyện đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức ngày hội việc làm tại Trường THPT Lương Phú, mở 2 phiên giao dịch việc làm tại xã Úc Kỳ, Dương Thành. Thông qua các hoạt động trên, toàn huyện đã có trên 2.600 lao động được tạo việc làm mới.
Nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển, huyện cũng quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông. Đường xá thuận lợi cùng với số lượng lao động từ nhiều địa phương về Phú Bình làm việc tăng nhanh đã mở ra cơ hội phát triển các loại hình kinh doanh dịch vụ như: cửa hàng ăn uống, cho thuê nhà, tạp hóa...
Toàn huyện hiện có gần 9.500 cơ sở kinh tế cá thể phi nông, lâm, thủy sản. Năm 2023, giá trị sản xuất ngành Thương mại - dịch vụ chủ yếu đạt gần 980 tỷ đồng (tăng 88,8 tỷ đồng so với năm 2022).
Các doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Phú Bình giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn. |
Cơ cấu ngành nghề, cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực đã giúp nâng cao thu nhập của người dân trên địa bàn huyện. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 75 triệu đồng/năm, tăng 12 triệu đồng so với năm 2021.
Chị Dương Thị Thủy, xóm Dinh, xã Bảo Lý, cho biết: Trước đây, thu nhập chính của tôi từ làm ruộng. Tính ra, mỗi vụ canh tác 1 mẫu ruộng trong thời gian 4 tháng, tôi thu được khoảng 12 triệu đồng, chưa trừ chi phí đầu tư. Để nâng cao thu nhập, bắt đầu từ giữa năm 2023, tôi đã cho thuê ruộng, chỉ giữ lại 2 sào để cấy lúa phục vụ nhu cầu của gia đình. Phần lớn thời gian, tôi đi làm tại cửa hàng kinh doanh sản phẩm của trẻ em với mức lương 5 triệu đồng/tháng.
Chị Dương Thị Hòa, xóm Đoàn Kết, xã Xuân Phương, chia sẻ: Kể từ năm 2011, khi Khu công nghiệp Điềm Thụy đi vào hoạt động, tôi đã tìm được việc làm tại Công ty Hadanbi Vina. Hiện, mức lương của tôi dao động từ 6 đến 8 triệu đồng/tháng, tùy khối lượng công việc.
Để tiếp tục thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nói chung và cơ cấu lao động nói riêng, huyện Phú Bình đã và đang tích cực đẩy mạnh tiến độ thực hiện dự án khu, cụm công nghiệp; thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trong đó đặc biệt là hệ thống giao thông từ huyện đến xã...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin