Mở ra nhiều cơ hội việc làm​​​​​​​ cho người lao động

Phan Trang 10:16, 18/10/2024

Những năm gần đây, công tác đào tạo nghề cho người lao động (NLĐ) được huyện Phú Bình chú trọng chỉ đạo, triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao. Nhờ đó, chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn ngày càng được nâng cao, mở ra nhiều cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập cho NLĐ.

Các học viên học nghề điện tại Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam cơ sở huyện Phú Bình.
Các học viên học nghề điện tại Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam cơ sở huyện Phú Bình.

Hàng năm, UBND huyện Phú Bình chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn tích cực phối hợp tổ chức các hội nghị tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, học nghề, tìm việc làm cho NLĐ, đặc biệt là ở địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thông qua đó, NLĐ được định hướng lựa chọn ngành nghề phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương và điều kiện của bản thân, gia đình. Riêng trong 9 tháng năm 2024, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã phối hợp tổ chức được 3 hội nghị tuyên truyền, 2 ngày hội việc làm, tư vấn hướng nghiệp cho NLĐ.

Tại các xã, thị trấn, ngay từ đầu năm, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể triển khai rà soát số lượng lao động chưa qua đào tạo và tìm hiểu nhu cầu học nghề của NLĐ. Từ đó tư vấn, định hướng cho NLĐ về những ngành nghề có nhiều cơ hội việc làm và giới thiệu về các cơ sở đào tạo nghề uy tín trên địa bàn.

Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huyện chỉ đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Theo đó, những năm qua, dựa trên nhu cầu việc làm của người dân, Trung tâm đã mở các lớp đào tạo nhiều ngành nghề (như nấu ăn, chăn nuôi, trồng rau an toàn, trồng cây có múi…); hình thức đào tạo cũng được đa dạng hóa. Cùng với mô hình dạy nghề tập trung, Trung tâm tổ chức các lớp dạy nghề lưu động tại nhiều xóm, xã để tạo điều kiện thuận lợi cho học viên theo học. Thông qua các lớp đào tạo, NLĐ được tiếp cận với các chính sách về đào tạo nghề, tăng cơ hội có việc làm với thu nhập ổn định.

Ông Hoàng Nam Hiến, Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Phú Bình, cho biết: Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho NLĐ, Trung tâm yêu cầu các thầy, cô giáo thường xuyên trau dồi, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề. Nhờ đó, các kiến thức truyền dạy cho học viên luôn được cập nhật thường xuyên, phù hợp với xu thế phát triển của từng ngành nghề. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã tổ chức được 5 lớp sơ cấp nghề. Sau khi học, hầu hết các học viên đã áp dụng kiến thức vào lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Phú Bình tổ chức dạy nghề nấu ăn tại xã, xóm cho lao động nông thôn.
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Phú Bình tổ chức dạy nghề nấu ăn tại xã, xóm cho lao động nông thôn.

Cùng với đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện cũng chỉ đạo phòng chuyên môn thực hiện tốt công tác giáo dục nghề nghiệp, định hướng, phân luồng học sinh THPT từ đầu năm học và sau khi tốt nghiệp THCS tham gia học nghề. Cụ thể, tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện, ngay từ khi học sinh bước vào lớp 10, Trung tâm đã phối hợp với Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam cơ sở huyện Phú Bình tổ chức tư vấn, định hướng cho học sinh đăng ký tham gia học nghề trình độ trung cấp chính quy đồng thời với học văn hóa.

Em Trần Trọng Nghĩa, ở xóm Cà, xã Tân Khánh, đang học tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện, cho biết: Ngay từ khi vào học lớp 10, được các thầy, cô giáo tư vấn, hướng dẫn, em đã đăng ký học nghề điện tử công nghiệp tại Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam. Có bằng trung cấp nghề này, sau khi tốt nghiệp THPT, em sẽ lựa chọn xin vào làm việc tại các công ty, doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Điềm Thụy.

Ông Đặng Xuân Ngọc, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam cơ sở huyện Phú Bình, thông tin: Trên cơ sở rà soát nhu cầu của NLĐ và các doanh nghiệp trên địa bàn, đơn vị tổ chức những ngành nghề đào tạo phù hợp. Hiện nay, Trường đang tập trung đào tạo các nghề điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, công nghệ thông tin, kỹ thuật chế biến món ăn… Sau khi học, các học viên có thể tìm việc làm tại nhiều nhà máy, doanh nghiệp ở các khu, cụm công nghiệp, hoặc tại nhà hàng, khách sạn hay bếp ăn của các doanh nghiệp.

Theo thống kê của phòng chuyên môn, những năm gần đây, trung bình mỗi năm trên địa bàn huyện Phú Bình có hơn 1.000 lao động được đào tạo nghề. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 77,2%, trong đó số lao động có văn bằng, chứng chỉ là 32,5%. Công tác đào tạo nghề ngày càng được chú trọng đã góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho NLĐ. Trong 9 tháng năm 2024, toàn huyện đã giải quyết việc làm cho trên 2.600 lao động.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề, thời gian tới, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn quan tâm rà soát, giới thiệu cho NLĐ chưa qua đào tạo tham gia các lớp học nghề phù hợp. Cùng với đó, đề nghị các cơ sở đào tạo nghề không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong công tác đào tạo nguồn nhân lực hiện nay.



dịch vụ chăm sóc người già theo giờ Tổng hợp tin đăng viẹc làm nhanh mới nhấtKhám phá tin tuyển dụng mới nhất