Đây là điều chúng tôi cảm nhận được khi trò chuyện với vợ chồng anh Lương Văn Liêm, xóm Bãi Á 1, thị trấn Chợ Chu (Định Hóa). Một cặp vợ chồng sống hiền lành, tốt bụng, sẵn sàng cùng nhau sẻ chia giọt máu cứu chữa người bệnh mỗi khi cần…
Những ngày đầu tháng 7, trời đổ mưa như trút nước, đường vào nhiều xóm gặp khó khăn bởi bùn lầy ngập ngụa. Thế nhưng, anh Lương Văn Liêm (sinh năm 1981) vẫn cùng vợ là chị Hoàng Thị Thủy (sinh năm 1986) lặn lội đến nhà dân tuyên truyền, vận động tham gia hiến máu hưởng ứng Chiến dịch “Hành trình đỏ” năm 2016. cùng đi với vợ chồng anh chị, chúng tôi cảm nhận được nụ cười ấm áp và ánh mắt tin tưởng của bà con. Bởi gia đình anh Liêm chính là một tấm gương sáng trong phong trào hiến máu, giúp người dân có thêm động lực và sự nhiệt thành đối với hoạt động này.
Anh Liêm chia sẻ: “Từ năm 2010 đến nay, tôi hiến máu được 8 lần. Nhớ lại lần đầu tiên, bố mẹ không đồng ý cho đi tham gia vì thấy tôi gầy yếu. Thế nhưng, được vợ động viên và bản thân mong muốn được giúp đỡ mọi người, tôi đã giấu bố mẹ đi đăng ký hiến máu. Thật vui và tự hào khi biết bản thân đủ điều kiện hiến máu và có thể giúp ích cho cộng đồng”. Chị Hằng nghe chồng mình kể lại cũng rất hạnh phúc. Chị tâm sự: “Là kỹ thuật viên tại khoa xét nghiệm (Bệnh viện đa khoa huyện Định Hóa), nhiều lần chứng kiến người bệnh không qua khỏi nguy kịch vì thiếu máu tôi hiểu về giá trị của mỗi giọt máu, nên mỗi khi Viện Huyết học truyền máu Trung ương chuẩn bị tổ chức hiến máu tại địa phương, tôi lại vận động chồng cùng đi tham gia. Và bản thân tôi mới chỉ tham gia được 3 lần liên tiếp hiến máu cấp cứu”. Chị tự nhận số lần hiến máu của mình còn khiêm tốn, thế nhưng khi nghe chia sẻ về kỷ niệm hiến máu cấp cứu, chúng tôi cảm nhận rõ hơn về tấm lòng của chị Thủy và anh Liêm. Vào đầu năm 2010, chị Thủy đang trực tại bệnh viện lúc 11 giờ đêm thì bất ngờ tiếp nhận một bệnh nhân bị xuất huyết dạ dày cần truyền gấp 3 đơn vị nhóm máu A. Đêm đó, bệnh viện lại hết máu dự trữ nên rất cần người truyền máu sống. Thật may, chị Thủy lại trùng nhóm máu với người bệnh nên đã không ngần ngại cho một đơn vị máu. Chị Thủy tâm sự: “Nhóm máu A hiếm vì dễ cho mà khó nhận nên dù chỉ một hai đơn vị cũng rất đáng quý đối với sự sống của người bệnh. Hơn nữa, năm đó, hiến máu sống ở địa phương còn mới mẻ, khó khăn nên rất ít người tham gia. Vì thế, tôi phải điện thoại ngay cho chồng chạy xe từ dưới thành phố về bệnh viện để hiến cho người bệnh một lúc hai đơn vị máu”. Kể tới đây, anh Liêm cắt ngang lời vợ: “Đúng lúc vợ gọi điện bảo người bệnh còn thiếu hai đơn vị nhóm máu A thì tôi đang đưa người nhà vào phòng mổ ở Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Vì thế, tôi phải tranh thủ lúc người nhà đang phẫu thuật chạy về để kịp hiến cấp cứu cho họ”. Anh chị tâm sự: “Hôm đó, vợ chồng mệt lả người vì căng thẳng. Nhưng thật may, ca hiến máu cứu người cũng như ca phẫu thuật của người nhà chúng tôi đều thành công”.
Với tâm niệm “Dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người”, anh chị đã gieo vào lòng các thành viên trong gia đình và người dân địa phương về ý nghĩa cao đẹp của hiến máu nhân đạo, máu chờ người bệnh chứ không phải người bệnh chờ máu. Từ đó, các thành viên trong gia đình anh chị cũng đã tham gia tích cực, chị Lương Thị Hằng, chị gái anh Liêm, hiến máu cấp cứu 2 lần, em gái Lương Thị Nhung hiến máu cấp cứu 1 lần. Và trong 6 năm liên tiếp, gia đình anh chị đã hiến tặng 24 đơn vị máu đạt tiêu chuẩn. Điều khiến anh chị vui hơn nữa là ngày càng có nhiều bạn bè, đoàn viên, thanh niên và bà con của địa phương tích cực tham gia. Mỗi đợt hiến máu, gia đình anh chị lại vận động được từ 20-80 lượt người dân tham gia.
Với sự nhiệt tình, trách nhiệm và việc làm ý nghĩa, năm 2015, gia đình anh Liêm được Hội Chữ thập đỏ tỉnh trao tặng giấy khen “Gia đình có thành tích xuất sắc trong tuyên truyền, vận động, tham gia hiến máu tình nguyện”; năm 2016, anh Liêm được Bộ trưởng Bộ y tế trao tặng Bằng khen “Cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào hiến máu tình nguyện” và vinh dự được tôn vinh trong 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc. Cầm trên tay chiếc cúp được nhận trong buổi lễ, anh Liêm bày tỏ: “Biểu tượng giọt máu nhắc nhở bản thân và gia đình tôi rằng hiến máu là nghĩa cử cao đẹp cần phải được nhân rộng trong cộng đồng. Vì thế điều sâu sắc mà chúng tôi cần làm là nuôi dưỡng phong trào, tuyên truyền, vận động không chỉ người thân mà cả nhân dân tích cực tham gia”.