Hạn chế ảnh hưởng của bệnh mạn tính đến sức khỏe người cao tuổi

Tùng Lâm 08:32, 15/12/2022

Trong số 1,3 triệu dân thì người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) ở Thái Nguyên chiếm khoảng 7,6%. Hiện nay, tuổi thọ bình quân của người dân Thái Nguyên là gần 74 tuổi, cao hơn bình quân chung trong khu vực. Tuy nhiên, tuổi thọ bình quân khỏe mạnh còn thấp, người cao tuổi thường mắc từ 2 đến 4 bệnh mạn tính, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Bởi vậy, việc phòng, chống và điều trị bệnh mạn tính cho người cao tuổi là rất cần thiết.

Bác sĩ Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên khám bệnh miễn phí cho người cao tuổi tại Phú Lương.
Bác sĩ Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên khám bệnh miễn phí cho người cao tuổi tại Phú Lương.

Bệnh không lây nhiễm là các bệnh không lây, còn được gọi là bệnh mạn tính, không lây từ người sang người. Bệnh tiến triển trong thời gian dài và chậm. Bệnh không lây nhiễm bao gồm rất nhiều bệnh, nhưng đáng chú ý nhất là 4 loại bệnh chính: Bệnh tim mạch (như tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim và đột quỵ); ung thư; bệnh hô hấp mạn tính (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản); đái tháo đường. Kế đến có thể nhắc tới các bệnh lý về thần kinh, tâm thần và các bệnh lý khớp mạn tính.

Với người cao tuổi, sức khỏe tốt giúp họ sống độc lập, chủ động mọi hoạt động trong cuộc sống. Tuy nhiên, khi già đi, cơ thể trở nên yếu hơn và dễ mắc các bệnh truyền nhiễm và không lây nhiễm. Từ đó có thể làm giảm chất lượng cuộc sống của người cao tuổi, tăng chi phí chăm sóc sức khỏe và tăng áp lực lên các thành viên trong gia đình, những người có trách nhiệm chăm sóc họ...

Ông H.V.N, 74 tuổi, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), phát hiện mắc bệnh đái tháo đường 5 năm nay. Do ăn uống điều độ, uống thuốc đều đặn nên chỉ số đường máu của ông khá tốt (khoảng 6,5 đến 7.0). Ông cho biết: Chế độ dinh dưỡng của tôi rất đặc biệt. Tôi thường ăn ít cơm, tăng các loại thực phẩm chức năng có chứa ít đường hoặc không đường; nhiều rau, củ quả...

Không chỉ làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe, các bệnh không lây nhiễm còn gây ra khuyết tật nghiêm trọng và ngay lập tức. Bác sĩ CKII Trương Mạnh Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên, cho hay: Đơn cử như gãy xương hông và đột quỵ cũng như các khuyết tật tiến triển dần dần sẽ làm giảm khả năng chăm sóc bản thân của người cao tuổi. Khi ấy, người cao tuổi cần được hỗ trợ tắm rửa, chuẩn bị bữa ăn, thay quần áo và mua sắm. Do đó sẽ tạo ra áp lực rất lớn đối với các thành viên trong gia đình cũng như gánh nặng kinh tế lớn cho cá nhân, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.

Theo các bác sĩ, những bệnh không lây nhiễm phổ biến có chung 4 yếu tố nguy cơ là hút thuốc lá (hoặc thuốc lào); thiếu vận động thể lực; lạm dụng rượu, bia và chế độ ăn không hợp lý. Bởi vậy, để có thể “lão hóa khỏe mạnh”, lối sống lành mạnh và các biện pháp can thiệp để giảm yếu tố nguy cơ chính của các bệnh không lây nhiễm có thể làm giảm tỷ lệ mắc các bệnh này lên tới 70%.

Do đó, để phòng tránh các bệnh không lây nhiễm, người cao tuổi cần thực hiện tốt việc giảm thiểu các yếu tố nguy cơ bằng những biện pháp như: Bỏ thuốc lá; tăng cường vận động thể lực, tích cực tham gia thể dục thể thao; hạn chế rượu bia và có chế độ ăn uống hợp lý... Hạn chế muối, hạn chế đồ ăn chế biến sẵn, đồ xào, rán; đồ uống ngọt, có ga; tăng cường rau xanh, hoa quả tươi… 

Trên thực tế, một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp bảo vệ chống lại suy dinh dưỡng dưới mọi hình thức, cũng như một loạt các bệnh không lây nhiễm và tình trạng sức khỏe khác. Người cao tuổi cần “tránh xa” những thực phẩm giàu năng lượng, chất béo, đường tự do, muối/natri.

Bác sĩ Hà khẳng định: Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh dựa trên thực phẩm lành mạnh là rất quan trọng. Vì vậy, người cao tuổi cần duy trì bữa ăn lành mạnh và thúc đẩy dinh dưỡng lành mạnh...