Khi bước vào thực hiện chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, kinh tế số trong lĩnh vực y tế được xem là mục tiêu khó thực hiện. Nhưng trên thực tế, hoạt động này đã được triển khai khá hiệu quả tại Thái Nguyên. Khép lại năm 2022 đầy biến động bởi những ảnh hưởng của dịch COVID-19, Thái Nguyên có 100% các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện có thể thanh toán viện phí không dùng tiền mặt; nhiều cơ sở y tế cung cấp được các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh (KCB) trên nền tảng số.
Cán bộ Phòng Công tác xã hội (Bệnh viện A Thái Nguyên) hướng dẫn người dân thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. |
Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt
Bà Nguyễn Thị Thanh, xã Tân Thái (Đại Từ), cho hay: Tôi thường khám sức khỏe định kỳ tại Bệnh viện A Thái Nguyên. Trước đây, mỗi lần đi khám, tôi phải mang theo tiền mặt nên thấy rất bất tiện. Từ đầu năm nay, người dân khi đến Bệnh viện khám có thể thanh toán viện phí không dùng tiền mặt nên tôi chỉ cần mang theo thẻ ngân hàng hoặc tiện lợi hơn là có thể thanh toán viện phí qua ứng dụng của ngân hàng đã cài đặt trong điện thoại. Hình thức thanh toán không dùng tiền mặt của Bệnh viện đã giảm phiền hà cho người bệnh chúng tôi.
Không riêng bà Thanh mà nhiều bệnh nhân khi đến KCB tại Bệnh viện A Thái Nguyên đều có chung nhận xét như vậy. Theo Bác sĩ CKII Hà Hải Bằng, Giám đốc Bệnh viện: Việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh mà còn tránh được rủi ro cho cán bộ y tế khi phải cầm nhiều tiền mặt. Đặc biệt, việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt giúp các bộ phận liên quan kiểm soát, theo dõi “dòng tiền” của đơn vị thuận tiện hơn.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, ngoài Bệnh viện A Thái Nguyên, tính đến hết năm 2022, Thái Nguyên đã hoàn thành mục tiêu 100% cơ sở KCB tuyến tỉnh, huyện thực hiện thanh toán viện phí không dùng tiền mặt theo chỉ tiêu Nghị quyết 02/NQ-CP đã đề ra.
Ông Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Để hoàn thành mục tiêu đúng hẹn, trước đó, 100% cơ sở KCB tuyến tỉnh, huyện trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đặt POS thanh toán qua thẻ ATM, thẻ tín dụng; tạo và niêm yết tài khoản đơn vị để người bệnh thanh toán qua các dịch vụ smart banking, ví điện tử. Cùng với đó là xây dựng các quy trình và tổ chức tuyên truyền về lợi ích của phương thức thanh toán này tới người bệnh và người nhà bệnh nhân. Đặc biệt, các cơ sở KCB luôn bố trí, sắp xếp bộ phận tiếp đón, hướng dẫn và hỗ trợ người dân; thiết kế, lắp đặt hệ thống bảng, biển thông báo đặt tại các khoa, phòng hướng dẫn quy trình thực hiện thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.
Ngoài ra, đến nay, các đơn vị trực thuộc Sở Y tế thanh toán 100% dịch vụ công cộng qua ngân hàng; tăng cường lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ tại các cơ sở y tế phục vụ việc thanh toán viện phí được nhanh chóng, tiết kiệm thời gian khám bệnh, chữa bệnh cho người dân.
Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên luôn quan tâm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Hiện nay, Bệnh viện đã thực hiện đăng ký khám, chữa bệnh trên nền tảng số. |
Cung cấp dịch vụ KCB trên nền tảng số
Có thể khẳng định, chưa bao giờ, các dịch vụ y tế chất lượng cao lại đến gần với người dân Thái Nguyên như thời gian vừa qua. Với một mạng lưới y tế “dày đặc” từ tuyến Trung ương đến tỉnh, huyện… tỷ lệ người dân Thái Nguyên hài lòng khi đến các cơ sở KCB khám, kiểm tra sức khỏe luôn ở mức cao.
Tuy nhiên, điều khiến nhiều người hài lòng nhất chính là việc có thể đăng ký KCB và chăm sóc sức khỏe trên các nền tảng số. Hiện, hầu hết các cơ sở KCB tuyến tỉnh, huyện của Thái Nguyên đã cung cấp các dịch vụ KCB cho người dân trên nền tảng số. Đơn cử như tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, người dân có thể đăng ký lịch KCB qua Fanpage của đơn vị.
Bác sĩ CKII Trương Thị Thu Hương, Giám đốc Bệnh viện, chia sẻ: Bệnh viện đã phân công cán bộ tư vấn về KCB và bảo hiểm y tế cho người dân trước khi đến khám bệnh. Đồng thời, tạo mọi thuận lợi để người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế tốt nhất tại đơn vị.
Tại các cơ sở y tế có lượng bệnh nhân đông, việc đăng ký KCB qua nền tảng số càng phát huy tác dụng. Theo đó, khi đăng ký trước, bệnh nhân được tiếp đón, hướng dẫn và hoàn tất việc KCB nhanh chóng, được trả kết quả sớm. Minh chứng rõ nét nhất là việc tiếp nhận, sắp xếp lịch đến khám của các cặp vợ chồng hiếm muộn tại Bệnh viện A Thái Nguyên… Do phải thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh… nên khi đăng ký khám bệnh qua nền tảng số, các cặp đôi đều hài lòng về thái độ và chất lượng của dịch vụ.
Có thể thấy, chỉ sau một thời gian ngắn, kinh tế số trong lĩnh vực y tế tại Thái Nguyên đã có những chuyển động rất tích cực. Các bệnh viện công lập, cơ sở y tế tư nhân đã đẩy mạnh tiến trình tiến tới bệnh viện thông minh, đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ KCB, chăm sóc bệnh nhân trên nền tảng số. Song song với đó là xây dựng các chuyên mục trên trang thông tin điện tử phục vụ công khai dịch vụ, đăng ký lịch KCB từ xa cho người dân, hỗ trợ tư vấn KCB từ xa...). Một trong những kết quả nổi bật nữa là 17/17 cơ sở KCB trực thuộc Sở Y tế Thái Nguyên đều đã đăng ký, triển khai nền tảng KCB từ xa tại các cơ sở y tế phục vụ công tác đào tạo nghiệp vụ, tư vấn khám, tư vấn điều trị.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin