Đấu tranh chống thuốc giả, thực phẩm chức năng giả

Nguyễn San 18:02, 29/12/2022

Thuốc và thực phẩm chức năng có ý nghĩa rất quan trọng đối với sức khỏe mỗi người. Tuy nhiên, thời gian vừa qua đã xuất hiện ngày càng nhiều trường hợp làm giả thuốc hoặc kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, gây nguy hại đến sức khỏe người dùng. Các trường hợp sản xuất, kinh doanh thuốc giả ngày càng tinh vi nhằm qua mặt lực lượng chức năng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường, từ đầu năm đến nay, lực lượng này đã kiểm tra, xử lý rất nhiều vụ vi phạm chất lượng thuốc, thực phẩm chức năng trong cả nước.

Trong đó, đáng chú ý có gần 100 trường hợp vi phạm về chất lượng, công dụng; gần 400 trường hợp vi phạm về chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu; hàng chục vụ vi phạm về tem, nhãn, bao bì, hàng hóa giả; hàng nghìn vụ về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ…

Các chuyên gia cho rằng, sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng bị làm giả rất đa dạng, từ loại thông thường đến các sản phẩm có giá trị cao. Việc các đối tượng bất chấp sức khỏe, tính mạng của người dân để làm giả thuốc, thực phẩm chức năng giả là vì lợi nhuận rất cao, nhất là đối với thực phẩm chức năng.

Cùng với đó, nhận thức, thói quen tự ý mua thuốc không qua kê đơn, mua thuốc qua mạng xã hội của người dân còn phổ biến… Chính điều này đã đặt ra thách thức không nhỏ đối với công tác phòng, chống thuốc giả, thực phẩm chức năng giả, không rõ nguồn gốc.

Nhằm ngăn chặn và phòng ngừa việc sản xuất, buôn bán, sử dụng thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thực phẩm chức năng giả, đảm bảo hiệu quả điều trị, an toàn sức khỏe cho người bệnh, mới đây Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra về lĩnh vực này.

Trong đó, ngoài trách nhiệm của ngành chủ quản, Bộ Y tế nhấn mạnh vai trò của chính quyền các địa phương, ban chỉ đạo 389 các tỉnh, thành và các cơ quan, đơn vị liên quan.

Với Thái Nguyên, tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và thuốc y học cổ truyền.

Tỉnh chỉ đạo ngành Y tế phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể để kiểm tra, kiểm soát thị trường thuốc, đấu tranh chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ y tế và nhân dân về nguy cơ, tác hại của thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, thực phẩm chức năng giả. Đồng thời tuyên truyền các biện pháp phòng tránh việc mua bán, sử dụng thuốc giả bằng cách chỉ mua thuốc tại các cơ sở dược hợp pháp; thiết lập và công bố các “đường dây nóng” để tiếp nhận thông tin phản ánh về các hành vi sản xuất, buôn bán, sử dụng thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, kịp thời phối hợp xử lý vi phạm.

Các lực lượng chức năng như: Công an, Quản lý thị trường, Hải quan chủ động bố trí lực lượng tham gia với ngành Y tế để thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát thị trường và các cơ sở sản xuất, buôn bán thuốc; xử lý nghiêm minh các hành vi sản xuất, vận chuyển, tàng trữ và buôn bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Tập trung điều tra, khám phá và xử lý các đường dây, các cơ sở sản xuất, buôn bán thuốc giả...