Nâng mức tự chủ các đơn vị sự nghiệp công

Nguyễn San 07:24, 11/11/2022

Nhằm đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ trên địa bàn tỉnh, giảm dần hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước đối với các dịch vụ công, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng kế hoạch nâng mức độ tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập với lộ trình thực hiện từ 2022-2025. Theo đó, sau mỗi kỳ ổn định tự chủ tài chính, các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp công lập, các huyện, thành phố trong tỉnh có trách nhiệm rà soát, nâng mức độ tự chủ tài chính của đơn vị theo đúng lộ trình và quy định.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thái Nguyên đã tự chủ tài chính, đảm bảo chi thường xuyên và đầu tư. Ảnh minh họa – Nguyên Ngọc
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thái Nguyên đã tự chủ tài chính, đảm bảo chi thường xuyên và đầu tư. Ảnh minh họa – Nguyên Ngọc

Theo kế hoạch, đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ chuyển ít nhất 30% tổng số đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên sang đơn vị nhóm 2; chuyển ít nhất 30% tổng số đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên sang tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên; chuyển ít nhất 30% tổng số đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên sang tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên.

Đặc biệt, Thái Nguyên phấn đấu có tối thiểu 20% đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh tự bảo đảm chi thường xuyên. Rà soát 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác đủ điều kiện chuyển sang tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.

Để thực hiện mục tiêu, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ đối với 2 nhóm 3 và 4, cụ thể: Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên (nhóm 3), giai đoạn này sẽ giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước so với giai đoạn 2017-2021. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên (nhóm 4), giai đoạn này cũng giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước so với giai đoạn 2017-2021, trừ các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định.

Cùng với đó, để nâng cao hiệu quả cải cách tài chính công, tỉnh yêu cầu các thành phần liên quan phải thực hiện liên doanh, liên kết giữa đơn vị sự nghiệp công lập với các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công. Xây dựng cơ chế hợp tác công - tư, minh bạch hóa các hoạt động liên doanh, liên kết, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản nhà nước.

Thực hiện đúng các quy định về sử dụng tài sản công trong hoạt động liên doanh, liên kết để huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công, nhất là cho y tế và giáo dục.

Mặt khác, tỉnh cho rà soát danh mục các đơn vị đủ điều kiện để chuyển thành công ty cổ phần trong giai đoạn này. Đánh giá lại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chuyển thành công ty cổ phần giai đoạn 2018 - 2020 có đủ điều kiện để tiến hành cổ phần hóa; lập danh mục các đơn vị đủ điều kiện chuyển thành công ty cổ phần trong giai đoạn 2022 - 2025, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt danh mục chuyển đổi theo quy định.

Phấn đấu đến năm 2025, 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác, có đủ điều kiện, hoàn thành việc chuyển đổi thành công ty cổ phần…