Đấu giá tài sản trực tuyến: Xu hướng của thời công nghệ số

09:07, 12/01/2022

Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời đại công nghệ số, đặc biệt là thực hiện chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy sau buổi làm việc tại đơn vị, Sở Tư pháp đã tích cực triển khai thực hiện. Sau nhiều nỗ lực, đến thời điểm này, Sở đã cơ bản hoàn thành phần mềm đấu giá tài sản trực tuyến và phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý hồ sơ công chứng, chứng thực.

Chúng tôi vừa tham dự buổi ra mắt, tập huấn triển khai sử dụng Phần mềm đấu giá tài sản trực tuyến do Sở Tư pháp phối hợp với Viettel Thái Nguyên tổ chức. Tại đây, lãnh đạo và chuyên viên của Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh (Sở Tư pháp) được các chuyên gia hướng dẫn quy trình triển khai các bước để đấu giá 1 tài sản, như: Đăng nhập vào tài khoản; nhập các thông tin tài sản cần đấu giá (thời gian, địa điểm, hình thức trả giá, hình ảnh tài sản, hồ sơ đính kèm…). Đây là kết quả bước đầu của việc triển khai đấu giá tài sản trực tuyến của Sở để tiến tới hoàn thiện và chính thức công bố, đưa vào hoạt động.

Bà Vũ Thị Lệ hằng, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Thái Nguyên là tỉnh thứ hai trên toàn quốc triển khai xây dựng phần mềm đấu giá tài sản trực tuyến (sau T.P Đà Nẵng), thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và nỗ lực rất lớn của Sở. Đấu giá tài sản trực tuyến là hình thức đấu giá tuy đã được quy định tại Luật Đấu giá tài sản năm 2016 nhưng vẫn còn hết sức mới mẻ trên thực tế. Bởi vậy, để triển khai nội dung này, Sở đã phối hợp Viettet Thái Nguyên nghiên cứu xây dựng phần mềm đấu giá tài sản trực tuyến.

Còn bà Nguyễn Thị Thu Trà, Phó Giám đốc Trung tâm Đấu giá tài sản tỉnh thông tin: Hình thức đấu giá tài sản trực tuyến được triển khai sẽ cho phép người dân, doanh nghiệp dễ dàng tham gia đấu giá tài sản qua mạng Internet với giao diện Web trên máy tính hoặc App trên điện thoại di động mà không cần phải trực tiếp đến trụ sở của tổ chức đấu giá. Các thông tin về đấu giá tài sản và các cuộc đấu giá tài sản của Trung tâm sẽ được đăng tải đầy đủ, công khai, minh bạch và việc đấu giá sẽ được thực hiện trên môi trường mạng.

Như vậy, việc áp dụng hình thức đấu giá trực tuyến này sẽ đảm bảo được tính công khai, minh bạch, thuận tiện, thu hút được nhiều người tham gia trong hoạt động đấu giá tài sản, đặc biệt là trong thời kỳ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19.

Đến nay, phần mềm đã cơ bản hoàn thiện và đang trong giai đoạn thử nghiệm. Đơn vị dự kiến đưa vào sử dụng trong năm nay. Khi đi vào hoạt động, các tổ chức, cá nhân có thể truy cập vào địa chỉ: http://daugiatructuyen.thainguyen.gov.vn để thực hiện các bước đấu giá trực tuyến nếu có nhu cầu.

Cùng với phần mềm đấu giá tài sản trực tuyến, Sở Tư pháp cũng đã xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý hồ sơ công chứng, chứng thực và thông tin ngăn chặn. Đây vừa đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số vừa đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội đối với công tác công chứng, chứng thực của người dân, doanh nghiệp.

Để tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động này thì việc xây dựng cơ sở dữ liệu về công chứng, chứng thực là rất quan trọng. Bên cạnh đó, thực tế hoạt động này đã xuất hiện những vấn đề phức tạp do công chứng viên không có đầy đủ thông tin về động sản, bất động sản, ảnh hưởng đến sự đảm bảo an toàn pháp lý của các hợp đồng giao dịch dân sự, và từ đó ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khi tham gia giao dịch dân sự.

Bởi vậy, phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý hồ sơ công chứng, chứng thực và thông tin ngăn chặn do Sở Tư pháp xây dựng là hệ thống cơ sở dữ liệu nhằm thực hiện nhiệm vụ được giao tại Luật Công chứng; tăng cường quản lý nhà nước về công chứng, cung cấp các thông tin quan trọng liên quan đến hoạt động công chứng, chứng thực.

Từ đó, các cơ quan nhà nước có thể đề ra các biện pháp quản lý để đảm bảo cho hoạt động công chứng, chứng thực phát triển lành mạnh, bền vững, an toàn. Không những vậy, phần mềm cũng đồng thời đảm bảo cung cấp kịp thời thông tin cần thiết về động sản, bất động sản để phục vụ nhu cầu công chứng, chứng thực của tổ chức, cá nhân. Phần mềm này hiện đã cơ bản hoàn thành và sẽ đưa vào sử dụng trong năm 2022 này.

Kết quả trên là những bước đi nhằm cụ thể hóa kế hoạch chuyển đổi số của Sở Tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 20/4/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đây là những hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin tạo bước chuyển đổi số quan trọng trong hoạt động nghiệp vụ của ngành Tư pháp trong thời gian tới.