Thái Nguyên trong dòng chảy lịch sử đất nước (Bài 14): Người sống cùng Việt Bắc

07:36, 21/10/2021

Gần 200 điểm di tích lịch sử kháng chiến tại Định Hoá là cơ sở để nơi này được công nhận đặc biệt, còn chừng 1/3 con số di tích đó là ở Đại Từ, Võ Nhai, T.P Thái Nguyên, Phú Lương, Phú Bình. Trong số những địa danh gắn với lịch sử của dân tộc ấy có khu Đèo De – Khuôn Tát, nơi Bác Hồ ở nhiều nhất và chính nơi này, Bác Hồ, Trung ương Đảng ra nhiều quyết định quan trọng nhất. Trong bài viết này, chúng tôi dành giới thiệu về Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đỉnh Đèo De, công trình khởi đầu là quà của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội tặng Đảng bộ và nhân dân Thái Nguyên cách nay hơn 15 năm…

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, với tầm nhìn chiến lược, sáng suốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân công đồng chí Phạm Văn Đồng cùng một số cán bộ ở lại Việt Bắc một thời gian để củng cố căn cứ địa. Người ra tiêu chí chọn: Tiện đường sang Bộ Tổng/Thẳng lối tới Trung ương/Nhà kín mái thoáng gió/Gần dân không gần đường. Đất thiêng Định Hóa đã đáp ứng các yêu cầu của Người. Nhiều lắm các quyết định, chỉ thị, quốc sách cho kháng chiến kiến quốc ra đời ở nơi này. 

Du khách về Phú Đình, về Di tích cấp Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa hôm nay, không chỉ được tận mắt thấy Đèo De, Núi Hồng - các địa danh đã đi vào thơ ca, lịch sử; đắm mình với rừng cọ, đồi chè, chinh phục thác Khuôn Tát… mà còn được tham quan, tìm hiểu các điểm di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng trong đó, Trung tâm là Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh Đèo De, một công trình trang nghiêm với lối kiến trúc truyền thống thể hiện lòng thành kính với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

Đứng trên đỉnh núi Pụ Đồn, phóng tầm mắt về hướng Tây sẽ thấy Khu đền thờ Bác, vị trí đặt nhà thờ như đầu một ông rồng hướng nhìn về Nam, 115 bậc, uốn cong như thân rồng chầu. Nhà tưởng niệm Bác được khánh thành nhân dịp kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/2005). Đây là công trình do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội tặng đồng bào Thái Nguyên như một sự tri ân với vùng đất ATK che chở Trung ương Đảng, Chính phủ suốt những năm dài kháng chiến chống Pháp. 

Kể từ khi hình thành ý tưởng, đến khi bắt tay xây dựng, khánh thành đến nay là bao nhiêu câu chuyện dệt thành huyền thoại, mà người nghe, người thực hiện công trình đã lưu nhớ. Đơn cử ngay việc chọn địa thế để đặt Nhà tưởng niệm cũng rất đặc biệt. Lãnh đạo T.P Hà Nội, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã tìm, chọn mãi mới ra được thế “đắc địa” nhất ở đèo De. Toàn bộ các hạng mục của Nhà tưởng niệm Bác Hồ tại đèo De có tổng diện tích 16 nghìn mét vuông gồm: Tứ trụ, Tam quan, Nhà dâng hương tưởng niệm và trưng bày các hình ảnh, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Công trình tọa ở thế “tứ linh”, lưng tựa núi hổ ngồi, mặt hướng ra núi voi phục của Khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa.

Đây cũng là Đền thờ Bác Hồ duy nhất của Việt Nam do Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến và Thái Nguyên hợp tác xây dựng tại khu vực trung tâm của ATK kháng chiến, nên công trình mang tầm vóc Quốc gia, thể hiện ý nguyện của đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Từ cổng Tứ trụ, lên đến khu chính của Nhà tưởng niệm có 194 bậc, được chia làm hai đoạn, ở giữa có chiếu nghỉ. Đoạn đầu Từ cổng Tứ trụ tới nhà Tam quan gồm 115 bậc, tượng trưng cho kỷ niệm 115 năm Ngày sinh của Người (19/5/1890-19/5/2005).

Đoạn hai từ nhà Tam quan tới Nhà tưởng niệm có 79 bậc tượng trưng cho 79 mùa Xuân của Người. Nhà tưởng niệm có diện tích sàn trên 600 mét vuông, gồm hai tầng, kiến trúc theo lối đền, chùa truyền thống của Việt Nam, mái lợp ngói đỏ, hệ thống khuôn viên đường bao quanh như một đóa sen nở, những cánh sen là 79 cây vạn tuế, Tháp chuông bên hữu, tháp khánh bên tả thỉnh khi có khách, ngân nga giữa núi rừng làm rung động lòng người... Thành phố Hà Nội giúp xây Nhà tưởng niệm, các lần phát triển sau đó, Thái Nguyên đầu tư kinh phí xây dựng các hạng mục tiếp theo; nhiều doanh nghiệp tri ân bằng đóng góp kinh phí, trong đó doanh nhân, Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn An Khánh hiện nay, 10 năm trước đóng góp lớn nhất…

Ban Quản lý Khu di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hóa tổ chức triển lãm ảnh với chủ đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc Việt Nam, chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cách mạng thế giới” tại Nhà tưởng niệm Người (tháng 5-2020). Ảnh: T.L

Tại lễ  khánh thành, ngày 19/5/2005, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan đã viết trong cuốn sổ ghi cảm tưởng: “Chúc khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Định Hóa muôn đời tỏa sáng, dẫn dắt các thế hệ người Việt Nam tiến tới Chủ nghĩa xã hội”. Còn đồng chí Trần Đình Hoan, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương lại thể hiện tình cảm của mình rằng: “Công trình tưởng niệm Bác Hồ ở ATK, Định Hóa do HĐND, UBND thành phố Hà Nội và nhân dân Thái Nguyên xây dựng thể hiện tình cảm của nhân dân cả nước với công lao to lớn của Bác với toàn thể dân tộc Việt Nam...”.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu ghi: “Nhà tưởng niệm Bác Hồ ở ATK là công trình hợp tác giữa nhân dân Thủ đô và nhân dân Thái Nguyên. Đây là tình cảm của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội với Bác Hồ, với Định Hóa, Thái Nguyên - Thủ đô kháng chiến. Công trình sẽ là di tích lịch sử - văn hóa - cách mạng rất có ý nghĩa cho mọi thế hệ hôm nay và mãi mãi mai sau...”.

Có thể nói, cả khu vực đều là địa bàn hoạt động của Bác Hồ. Đặt chân đến đâu cũng thấy dấu chân của Người. Vì vậy mà nhiều người dân sống ở khu vực này vẫn tự hào nói với nhau rằng, những câu thơ hay nhất của nhà thơ Tố Hữu viết về Người như: “Nhớ Người những sáng tinh sương/Ung dung yên ngựa trên đường suối reo/Nhớ chân Người bước lên đèo/ Người đi rừng núi trông theo bóng Người...” không chỉ là hình ảnh quen thuộc của Người ở Việt Bắc, mà cũng chính là hình ảnh của Bác Hồ khi sống, làm việc tại nơi đây- ATK Định Hóa, Thái Nguyên.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam như: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và mới đây nhất là Thủ tướng Phạm Minh Chính… đã đến thắp hương tưởng nhớ Bác và trồng những cây lưu niệm quý trong khuôn viên Nhà tưởng niệm. Mỗi năm, có hàng chục nghìn cán bộ, nhân dân cả nước và du khách quốc tế đến thăm “Thủ đô kháng chiến của Chính phủ cụ Hồ” và thắp hương thơm dâng lên bàn thờ Bác, nơi Nhà tưởng niệm giữa đỉnh Đèo De gió lộng...

Trao đổi với chúng tôi, Thạc sĩ Bùi Huy Toàn, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hóa cho biết: “Chúng tôi mong muốn được góp phần giáo dục lịch sử cách mạng cho đông đảo du khách thông qua một giai đoạn lịch sử quan trọng trong Kháng chiến chống Pháp và đặc biệt là qua tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong không gian các di tích lịch sử ATK Định Hóa”.

Hơn 9 năm kể từ khi ATK Định Hóa được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, đã có trên 25 nghìn đoàn khách trong nước, quốc tế, với hơn 5,2 triệu lượt người đến dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham quan tại các điểm di tích thuộc ATK Định Hóa. Đó là minh chứng sinh động cho sức hút từ du lịch lịch sử trên vùng đất quan trọng bậc nhất ghi dấu những thành công của cách mạng Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, đồng thời cũng ghi nhận những nỗ lực nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị riêng có của mảnh đất cách mạng này….

Thắp một nén nhang, đặt những bông huệ trắng trên hương án tại Nhà tưởng niệm Đèo De, những người làm báo chúng tôi dâng trào xúc động, như thấy dáng hình Bác về thăm lại nơi này. Bác đến Định Hoá ngày 20/5/1947, Bác rời trụ sở Chính phủ đóng đồi Thanh Trúc, xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ về Thủ đô Hà Nội ngày 12/10/1954 - ngót 9 năm, ngót ba nghìn ngày sống và làm việc tại Thủ đô gió ngàn Người đã, đang và mãi mãi sống cùng đồng bào Việt Bắc, Thái Nguyên.