Thái Nguyên trong dòng chảy lịch sử đất nước (Bài 12): Nơi sinh thành nền báo chí cách mạng

07:32, 19/10/2021

Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam được đánh dấu bằng sự kiện ra đời Báo Thanh Niên - cơ quan của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập ngày 21/6/1925. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí cách mạng Việt Nam qua mỗi thời kỳ đều có sự phát triển mạnh mẽ và đến nay là một hệ thống quốc gia các cơ quan thông tin đại chúng gồm nhiều loại hình và ở nhiều cấp. Trong dòng chảy lịch sử đó, Thái Nguyên vinh dự là “cái nôi” của nền báo chí cách mạng, nơi ghi dấu sự ra đời của nhiều cơ quan báo chí lớn và nhiều sự kiện báo chí quan trọng. 

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chính quyền cách mạng được thành lập trong phạm vi cả nước, báo chí cách mạng cũng đánh dấu một bước phát triển mới với sự ra đời của Đài Tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam. Thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ chuyển lên chiến khu Việt Bắc lãnh đạo kháng chiến. Nhiều cơ quan báo chí cách mạng quan trọng đã ra đời trong núi rừng ATK Thái Nguyên.

Nhà báo Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam khẳng định: Lịch sử cách mạng Việt Nam và lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam ghi nhận sự ra đời và đóng góp vừa độc đáo, vừa rất tự hào của hoạt động báo chí tại địa bàn các vùng chiến khu cách mạng. 

Ở thời kỳ này, một số cơ quan báo chí lớn đã xuất bản số đầu tiên tại núi rừng Thái Nguyên. Đáng chú ý nhất là Báo Nhân Dân - cơ quan ngôn luận Trung ương của Đảng. Đây là tờ báo kế tục sự nghiệp của Báo Sự Thật, lấy tên là Báo Nhân Dân để thể hiện ý chí phục vụ sự nghiệp cách mạng của nhân dân; nhiệm vụ cơ bản của tờ báo là tuyên truyền, cổ động tổ chức toàn dân đoàn kết đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi.

Các quyết định, chỉ thị của Bộ Chính trị và Ban Bí thư đều quán triệt quan điểm Báo Nhân Dân là tờ báo của toàn Đảng; toàn Đảng có nhiệm vụ xây dựng Báo Nhân Dân, các cấp ủy, cán bộ của Đảng có nhiệm vụ viết tin, bài cho báo, đọc và phát hành rộng rãi tờ báo. Ngày 11/3/1951, vượt qua bộn bề khó khăn chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật để in ấn, Báo Nhân Dân ra số đầu tại xưởng in đặt ở thôn Khuôn Nhà, xã Quy Kỳ (Định Hóa) trong niềm vui khôn tả của đông đảo cán bộ, chiến sĩ quân bưu cùng nhân dân địa phương. 

Khánh thành Bia di tích lịch sử quốc gia nơi thành lập Báo Quân đội Nhân dân tại thôn Khau Diều, xã Định Biên, huyện Định Hóa (ngày 15/1/2020). Ảnh: T.L

 

Báo Nhân Dân số 1 có sáu trang, toàn bộ nội dung tuyên truyền về Ðại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng. Những tờ báo đầu tiên vừa in ra đã được chuyển ngay đến các mặt trận, vùng tự do và vùng sau lưng địch, đưa nghị quyết của Ðảng đến với đồng bào, chiến sĩ. Nhà báo Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân cho biết: Làm báo Đảng thì phải có 3 bằng: Đại học chính trị, đại học văn hóa và đại học đường đời, tức là lăn vào cuộc sống. Chúng tôi thực hiện cái đó, và có lẽ lao vào cuộc sống là điểm rất đặc sắc của Báo Nhân Dân”.

Cũng tại ATK Thái Nguyên, Báo Quân đội Nhân dân - cơ quan của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, tiếng nói của lực lượng vũ trang và nhân dân Việt Nam đã ra đời. Do tình hình kháng chiến, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam quyết định sáp nhập tờ Vệ quốc quân và Quân du kích thành tờ Quân đội Nhân dân. 

Ngày 20/10/1950, sau gần 3 tháng chuẩn bị, Báo Quân đội Nhân dân cho ra số đầu tiên ở bản Khau Diều, xã Định Biên (Định Hóa). Đây là tờ báo do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên. Trên trang nhất của số báo này đăng yêu cầu của Người đối với tờ báo: “Nói những điều thật thiết thực, đúng đường lối chính trị, ít tếu, viết ngắn, giản dị, vẽ dễ hiểu, trình bày rõ ràng, ít tiếp sang trang khác”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, Báo Quân đội Nhân dân luôn theo sát tình hình chiến dịch, thông tin kịp thời. Ngoài việc đề cao chiến công, báo rất chú trọng công tác phê bình và tự phê bình.

Phát biểu khi đến thăm Báo Quân đội Nhân dân năm 2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: “Đây là tờ báo chính trị hàng đầu của đất nước, có uy tín và bản sắc riêng; có bản lĩnh chính trị vững vàng, tính tư tưởng, tính chiến đấu cao; là “binh đoàn chủ lực” trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, định hướng đúng đắn dư luận xã hội”.

Các giảng viên, học viên, thân nhân học viên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Bia di tích lịch sử quốc gia địa điểm thành lập Nhà trường vào tháng 4-1949 ở xã Tân Thái (Đại Từ). Ảnh: T.L

 

Cùng với sự ra đời hai cơ quan báo chí lớn là Báo Nhân Dân và Báo Quân đội Nhân dân, ATK Thái Nguyên cũng gắn với nhiều cơ quan báo chí đặt cơ sở hoạt động trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Tiêu biểu như bộ phận của Thông tấn xã Việt Nam hay Báo Văn nghệ cứu quốc. Đây cũng là nơi ghi nhận sự ra đời cơ sở đào tạo báo chí cách mạng đầu tiên vào năm 1949. Theo đó, khi cuộc kháng chiến giành độc lập tự do của dân tộc đang diễn ra ác liệt, trong điều kiện vật chất khó khăn, thiếu thốn đủ mọi bề của Nhà nước dân chủ nhân dân mới thành lập, Đảng và Chính phủ vẫn quyết tâm mở lớp dạy viết báo để đào tạo, gây dựng đội ngũ cán bộ báo chí cách mạng Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo Tổng bộ Việt Minh thành lập và đặt tên cho trường là Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Khóa học đầu tiên khai giảng ngày 4/4/1949, tại ấp Bờ Rạ, nay thuộc xã Tân Thái (Đại Từ). Do hoàn cảnh kháng chiến, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng chỉ tổ chức được một khóa ngắn hạn. Học viên gồm 42 người, là cán bộ chính trị, quân sự, báo chí của cả nước. 

Trong bức thư đề ngày 9/6/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắn nhủ: "... Lớp này là lớp học viết báo đầu tiên, tôi mong các chú và các cô, thi đua nhau học và hành cho xứng đáng là những người tiên phong trên mặt trận báo chí. Báo chí cũng phải thực hiện khẩu hiệu "Tất cả để chiến thắng!".

Học viên Phạm Viết Thiệu - nguyên Tổng Biên tập Báo Hòa Bình, Tổng Biên tập Tạp chí Tuyên truyền, nhớ lại: “Trước khi tham gia lớp học, chúng tôi thường viết theo kiểu nghe thấy thế nào thì viết ra như vậy. Sau khi được đồng chí Trường Chinh lên lớp truyền đạt thì mới biết tới tính chiến đấu, tính khách quan của báo chí, mới thấy rằng viết báo là rất công phu”.

Bà Lý Thị Trung-nguyên Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô, kể: Lớp học có nhiều thầy đến dạy, người dạy về chính luận, xã luận rồi phóng sự…. Đủ các thể loại báo chí”. 

Cũng trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ở giai đoạn khó khăn, ác liệt, Hội Nhà báo Việt Nam đã ra đời nơi núi rừng ATK Định Hóa. Ngày 21/4/1950, Đại hội lần thứ nhất của Hội Những người viết báo Việt Nam được tổ chức tại xã Điềm Mặc (Định Hóa) đã thống nhất thông qua điều lệ, chương trình hoạt động, bầu ra Ban Chấp hành Hội gồm 10 người, do nhà báo Xuân Thủy làm Chủ tịch. Ngày 2/6/1950, Hội được Chính phủ ra quyết định chính thức công nhận và trở thành thành viên của Mặt trận Liên Việt. Với sự ra đời của Hội những người viết báo Việt Nam, hoạt động báo chí trong thời kỳ kháng chiến được nâng lên một tầm cao mới.

Trong bài phát biểu tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam ngày 16/4/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của Hội là phải làm cho hội viên đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau để nâng cao trình độ chính trị và nghiệp vụ. Có như thế thì Hội Nhà báo mới làm tròn nhiệm vụ của mình và những người làm báo mới phục vụ tốt nhân dân, phục vụ tốt cách mạng”.

Từ ATK Thái Nguyên, những người làm báo sau khi được đào tạo; những hội viên Hội Những người viết báo Việt Nam đã tỏa đi các chiến trường, cống hiến và trở thành những “cây đa, cây đề” của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí cách mạng Việt Nam trưởng thành về mọi mặt, luôn là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò quan trọng trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng hành cùng cả nước, báo chí Thái Nguyên đã có những bước phát triển vượt bậc cả về chất và lượng. Vinh dự và tự hào là nơi nguồn cội, là “cái nôi” của nền báo chí cách mạng Việt Nam, những người làm báo Thái Nguyên đã và đang cống hiến, đóng góp nhiều hơn vào sự lớn mạnh của nền báo chí nước nhà nói riêng; sự phát triển về kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước nói chung. 

(Còn nữa)