Thái Nguyên trong dòng chảy lịch sử đất nước (Bài 19): Doanh nhân và sự thịnh vượng của quê hương

07:39, 26/10/2021

Trong công cuộc đổi mới hôm nay, Thái Nguyên có hơn 7.000 doanh nghiệp, ứng với đó là chừng ấy doanh nhân. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ xin giới thiệu 2 doanh nhân trong số đó: Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh - ông Nguyễn Văn Thời và Anh hùng Lao động, Phó Chủ tịch thứ nhất Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh - Anh hùng Lao động thời đổi mới Nguyễn Văn Thắng. 

Anh hùng Lao động xây dựng nhà máy nhiệt điện tư nhân

Ngày 11/02/2020, Bộ chính trị Ban hành Nghị quyết số 55 về định hướng chiến lược năng lượng Quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đặt ra những nền tảng cho khu vực tư nhân tham gia mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực năng lượng. Nghị quyết được giới dân doanh đón nhận vô cùng hào hứng bởi 2 điểm then chốt của Nghị quyết: Thứ nhất, đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là trọng tâm của công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Thứ hai, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia, đặc biệt là tư nhân sản xuất, kinh doanh điện. 

Như thế là từ 14 năm trước, doanh nhân Nguyễn Văn Thắng (Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, người sáng lập Công ty CP Nhiệt điện An Khánh, thuộc tập đoàn An Khánh) đã đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện tư nhân mang tên An Khánh, đi vào sản xuất và tiêu thụ điện vào năm 2015, rất thiết thực, hiệu quả.

Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, sau 7 năm phục vụ trong quân đội, được chuyển ngành đi học, rồi vừa học vừa làm vào giai đoạn đất nước khó khăn trăm bề, nhưng Nguyễn Văn Thắng luôn đau đáu một điều: Làm gì, làm cách nào để anh và gia đình đỡ thiếu thốn, quê hương phát triển, thịnh vượng. Anh luôn trăn trở với thực tại của bản thân: “Làm gì để có ích cho cộng đồng và xã hội”. Bằng bản lĩnh, sự tự tin vào năng lực cũng như khát vọng cháy bỏng, anh xác định: “Phấn đấu trở thành một doanh nhân thành đạt bằng khát khao, trí tuệ và đam mê. Và, doanh nhân Việt Nam không có lý do gì thua kém doanh nhân các nước...”, “Chung tay xây dựng niềm tin Việt Nam” đã khởi động ngay từ lúc quyết định cá nhân đầu tư làm nhà máy sản xuất điện vào năm 2007…

Khởi nghiệp sau khi nghỉ hưu, tuổi đã ngũ tuần, từ sản xuất, kinh doanh nhỏ, lẻ ban đầu, với tầm nhìn chiến lược, Nguyễn Văn Thắng tìm đến một vùng đồi hoang vu gần với Mỏ than Khánh Hòa, Quán Triều xa dân cư của xã An Khánh, huyện Đại Từ xây dựng nhà máy điện. Một mình lặng lẽ làm, lặng lẽ vượt khó khăn trong niềm tin còn mong manh vào thành công của bao người...

Trong Tập đoàn An Khánh sản xất kinh doanh đa ngành, điểm nhấn là Công ty Nhiệt điện An Khánh với Nhà Máy nhiệt điện công suất 120MW, với vốn đầu tư 4.660 tỷ đồng, mỗi năm nhà máy An Khánh hòa lưới điện Quốc gia trên 800 triệu KW/h, chạy ổn định từ năm 2015, giải quyết việc làm thường xuyên cho 500 lao động (Toàn tập đoàn An Khánh có 3.500 lao động), đóng góp ngân sách hàng năm trên 1.000 tỷ đồng. Quan trọng hơn, Nhiệt điện An Khánh đã đi đầu trong đầu tư vào ngành công nghiệp mũi nhọn, đảm bảo an ninh năng lượng, chung tay cùng đất nước giải quyết một phần khó khăn do thiếu điện. 

Vừa qua, Chính phủ tiếp tục giao Chủ đầu tư Nhà máy Nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang, công suất 650MW, vốn đầu tư trên 20 nghìn tỷ đồng. Ghi nhận, biểu dương những thành công, những đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của Thái Nguyên nói riêng, đất nước nói chung, Công ty An Khánh được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba; 3 lần được Chính phủ tặng Cờ thi đua Xuất sắc. Năm 2020, Doanh nhân Nguyễn Văn Thắng được Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới… Đưa số Anh hùng Lao động của tỉnh Thái Nguyên được Nhà nước vinh danh 75 năm qua lên 5 người. Và riêng với sáng kiến “Xây dựng Nhà máy nhiệt điện An Khánh 1, góp phần phát triển công nghiệp điện trong nước” ông Nguyễn Văn Thắng được Thủ tướng Chính phủ tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua Toàn quốc …

Tên gọi thân mật mà bè bạn, bà con dành cho doanh nhân Nguyễn Văn Thắng là “Ông Thắng An Khánh, Núi Pháo, Từ thiện”. Bởi anh làm từ thiện từ cái tâm của mình với suy nghĩ nằm lòng “Cho đi là còn lại”. Anh bộc bạch: “Nét đặc trưng nhất trong con người tôi là khát khao làm giàu và say mê làm từ thiện thay lời tri ân”. Trong những năm qua, anh đã đóng góp vào an sinh xã hội, từ thiện tới hơn 100 tỷ đồng, mà lại chính từ phần thu nhập của riêng anh.

Tiêu biểu như việc đầu tư, tôn tạo, xây dựng các công trình Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ATK Định Hóa; xây tặng gần 100 nhà tình nghĩa cho gia đình liệt sĩ, mẹ Việt Nam Anh hùng, Khu tưởng niệm 60 liệt sĩ Thanh niên xung phong tại phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên…, tặng nhiều tỷ đồng xây dựng đường giao thông, lớp học tại vùng ATK, Thượng Nung - Võ Nhai. Hai năm (2020-2021) chống dịch COVID-19 là từng ấy thời gian doanh nhân Nguyễn Văn Thắng tham gia các hoạt động ủng hộ phòng, chống dịch của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh.

Quê hương Đại Từ vốn có nhiều phong trào lớn như tổ đổi công, hợp tác xã chuyên lĩnh vực, hợp tác xã cơ giới toàn xã mà tiêu biểu cho xây dựng phong trào tại xã Hùng Sơn những năm sáu mươi có Anh hùng Lao động Trương Văn Nho, niềm tự hào được khắc ghi hậu thế. Thời kỳ đổi mới, với bản lĩnh, tinh thần lao động trí tuệ sáng tạo, với tâm trong sáng, doanh nhân - cựu chiến binh, Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Thắng là một trong những tấm gương sáng đáng được ghi nhận của mảnh đất Thái Nguyên địa linh, nhân kiệt

Duyên nợ với thời trang may mặc 

May hàng xuất khẩu tại Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG do doanh nhân Nguyễn Văn Thời làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ảnh: T.L

Doanh nhân Nguyễn Văn Thời được coi là người có duyên nợ với thời trang may mặc. Ông sinh năm 1958 tại Thái Bình, thành đạt tại Thái Nguyên, là đại biểu Quốc hội Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa XII; Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên khoá I, II; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG. Ông là kỹ sư cơ điện mỏ, cử nhân kinh tế, cử nhân chính trị. 

Ngót 30 năm trước, năm 1992, ông được cử làm Giám đốc Công ty may Bắc Thái và bắt đầu cuộc hành trình với thời trang may mặc từ đây. Mất 10 năm (1993 - 2003), công ty do ông làm giám đốc đã lấy lại được đơn hàng xuất khẩu sang Đông Âu, Mỹ bất chấp những khó khăn trong thời kỳ đầu từng khiến TNG chao đảo. Sau cổ phần hóa, thách thức lớn nhất đối với TNG là quy mô vốn không lớn, không thể phát triển. Đó là nguyên nhân khiến ông tìm mọi cách đẩy TNG lên sàn chứng khoán vào năm 2007.

Giai đoạn 2003-2010, TNG tăng trưởng bình quân 5%/năm, sau đó TNG  bước vào quỹ đạo tăng trưởng mới, trên 20%/năm. Hiện, TNG sở hữu 11 chi nhánh may, 2 chi nhánh sản xuất hàng may mặc phụ trợ với tổng số hơn 220 chuyền may. Công ty đặt mục tiêu tăng lên hơn 250 chuyền may vào thập kỷ thứ ba của thế kỷ này, giảm tỷ trọng hàng CMT (thuần túy gia công), tăng tỷ trọng FOB, từ đó cải thiện biên lãi gộp. Bên cạnh đó, Công ty cũng đang phát triển thêm mảng ODM (tự thiết kế và sản xuất) với thương hiệu TNG Fashion có biên lãi gộp cao, khoảng 30-40%.

Các đối tác của TNG đều là những doanh nghiệp quốc tế "máu mặt" trong ngành thời trang như ZARA, MANGO, GAP, CK, Decathlon, The Children’s Place… TNG cũng nhận được nhiều đề nghị hợp tác mới; đã mở rộng hợp tác với các khách hàng như: G-III (Mỹ), IMPERAL (Canada), CHOIS (Hàn Quốc). Hai khách hàng lớn nhất của TNG là Decathlon và The Children’s Place (TCP) đang chiếm ngót 70% giá trị đơn hàng… Ngoài các dự án phục vụ chuyên ngành và đời sống người lao động, TNG còn triển khai Dự án khu đô thị xanh TNG 20ha tại xã Sơn Cẩm (Phú Lương).

Gần 2 năm nay, mặc dù phải căng mình chống đại dịch COVID-19, nhưng công ty vẫn đảm bảo an toàn cho mười sáu nghìn lao động với doanh thu hơn 3.000 tỷ đồng và đóng góp không nhỏ cho công tác phòng, chống dịch của tỉnh nhà. Đó là kết quả đáng trân trọng và khiến nhiều người nể phục.