Tinh vi các hoạt động lợi dụng thương mại điện tử

Nguyễn San 09:40, 16/12/2022

Không thể phủ nhận, thời gian gần đây thương mại điện tử (TMĐT) phát triển ngày càng mạnh mẽ, giúp cho việc giao dịch của người dân, doanh nghiệp trở nên thuận tiện. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm các đối tượng lợi dụng TMĐT để buôn bán, kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không có nguồn gốc… kiếm lời bất chính. Điều này khiến công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đánh giá của cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên cho thấy, tình trạng sử dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hoá phạm pháp của các đối tượng đang diễn ra với chiều hướng phức tạp, khó kiểm soát. Các đối tượng vi phạm thường sử dụng phương thức trữ hàng hoá, kinh doanh ngay tại nhà ở, nhà trọ, thực hiện hành vi bán hàng qua mạng xã hội (Facebook, Zalo, Tiktok…) hoặc qua các sàn TMĐT (Shopee, Tiki…) để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm và bán hàng.

Điều đặc biệt là các đối tượng bán hàng nhưng không có địa chỉ cụ thể, thường bán ngoài giờ hành chính và không thường xuyên, liên tục. Do đó công tác kiểm tra, xác minh của cơ quan chức năng khá khó khăn, đối tượng có thể dễ dàng trốn tránh, tẩu tán tang vật nếu bị phát hiện.

Mặt khác, các đối tượng thường sử dụng một địa chỉ không liên quan, hoặc giả mạo địa chỉ để giao dịch nhưng tập kết, tàng trữ hàng hoá tại nhiều địa điểm khác nhau. Các đối tượng cũng hay tổ chức quay trực tiếp để giới thiệu, chào hàng tại nhiều địa điểm. Để giao hàng, các đối tượng thường chuyển qua đường bưu chính và chủ yếu là qua các đơn vị bưu chính, chuyển phát tư nhân, rất khó quản lý.

Trong 2 năm qua, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện và xử lý 107 trường hợp vi phạm liên quan đến lợi dụng TMĐT. Trong đó chủ yếu là vi phạm các lỗi: Không thông báo website TMĐT bán hàng với cơ quan chức năng theo quy định; sử dụng công nghệ thông tin để kinh doanh hàng hoá nhập lậu, bán hàng giả nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ… Tổng số tiền phạt và giá trị hàng hoá vi phạm nộp vào ngân sách nhà nước là trên 1 tỷ đồng. Theo đánh giá, thực tế số trường hợp vi phạm còn nhiều, nhưng do hoạt động của các đối tượng rất tinh vi, khó kiểm soát nên chưa thể thống kê đầy đủ.

Cái khó của cơ quan quản lý chính là việc các sàn giao dịch TMĐT kiểm soát, định danh tài khoảng của người bán, đăng tải chào bán, chào mua còn thiếu chặt chẽ, chưa thường xuyên, liên tục. Đây là kẽ hở để các đối tượng lợi dụng đưa hàng hoá vi phạm công khai bày bán trên các sàn này.

Có các đối tượng duy trì thường xuyên hàng chục, thậm chí hàng trăm tài khoảng trên các sàn TMĐT để có thể thay đổi ngay khi bị phát hiện. Các đối tượng này thường có trình độ, am hiểu nhất định về công nghệ thông tin hoặc có đội ngũ kỹ thuật bài bản phụ trách. Các đối tượng có thể bán hàng đa kênh, ngồi một nơi nhưng có thể quản lý, bán hàng ở nhiều nơi khác nhau.

Điều đáng nói, lực lượng chức năng khi phát hiện vi phạm thì chỉ xử phạt hành chính, mức xử phạt nhẹ nên chưa đủ sức răn đe. Do đó, đối tượng sẵn sàng nộp phạt rồi lại tiếp tục vi phạm.

Trong khi đó, nhận thức của người tiêu dùng còn hạn chế, không phải ai cũng hiểu để tẩy chay hoặc lên án các hành vi vi phạm này. Tâm lý thích dùng “hàng hiệu” nhưng lại rẻ tiền còn phổ biến ở nhiều người, nhất là người trẻ tuổi, nên thường mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

Khi biết bị lừa, nhiều người có tâm lý e ngại, không dám tố cáo để xử lý kịp thời. Hơn nữa, lực lượng chức năng của tỉnh kiểm soát vấn đề này còn thiếu, trình độ chuyên môn chưa đồng đều, chưa bắt kịp với sự phát triển của công nghệ số nên khó cho việc phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm…