Ngày 29-12, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết vừa tiếp nhận một bệnh nhân bị dại do chó lạ cắn. Sau đó, bệnh nhân đã đánh chết chó và làm thịt ăn. Được bác sĩ giải thích tiên lượng tử vong, gia đình đã xin cho bệnh nhân về nhà.
Khi bị chó, mèo cắn nên chủ động đến các trung tâm tiêm chủng để tiêm dự phòng trước đối với bệnh dại. Ảnh minh họa |
Theo đó, nam bệnh nhân (30 tuổi, Phú Thọ) đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương khám do hốt hoảng, lo âu. Qua khai thác, bệnh nhân cho biết, khoảng 3-4 tháng trước, anh bị một con chó lạ cắn. Sau đó bệnh nhân đã đánh chết con chó và làm thịt ăn. Bệnh nhân cũng không đi tiêm vắc xin phòng dại.
Trước khi vào viện 2 ngày, bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi, kích thích, sợ nước, sợ gió lạnh, không tắm, đau mỏi đầu và hai vai. Khi đó, bệnh nhân đi khám ở phòng khám tư nhưng không đỡ.
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, bệnh nhân được làm xét nghiệm vi rút dại có kết quả dương tính. Bệnh nhân được chuyển vào điều trị tại khoa Cấp cứu nhưng sau đó, bệnh nhân hốt hoảng, kích thích, sợ nước, sợ gió tăng dần. Sau khi được bác sĩ giải thích, tiên lượng tử vong, gia đình đã xin cho bệnh nhân về nhà.
Từ trường hợp trên, các bác sĩ cảnh báo, khi bị chó, mèo cắn, người dân nên chủ động đến các trung tâm tiêm chủng để tiêm dự phòng trước đối với bệnh dại.
Nếu chủ động tiêm phòng trước sẽ tránh phải tiêm huyết thanh kháng dại; giải thoát được vấn đề tâm lý khi bị chó, mèo không rõ nguồn gốc cắn. Chỉ cần tiêm 2 mũi vắc xin phòng dại nếu đã tiêm phác đồ dự phòng trước phơi nhiễm.
Trước đó, một báo cáo tới tháng 10 cho thấy, từ đầu năm, cả nước đã ghi nhận 41 bệnh nhân tử vong do bệnh dại tại 16 tỉnh, thành phố (tăng 2 ca tử vong so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, nhiều nhất là các tỉnh Bến Tre (12 ca), Kiên Giang (5 ca) và Gia Lai (4 ca). Riêng tại Hà Nội đã ghi nhận 2 ca mắc và tử vong do bệnh dại.
Bệnh dại là bệnh đặc biệt nguy hiểm, khi người nhiễm vi rút dại lên cơn thì tỷ lệ tử vong gần như 100%. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội khuyến cáo, người dân khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm vào da tổn thương hoặc niêm mạc cần rửa ngay vết thương bằng xà phòng, nước sạch. Đồng thời, đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và tiêm phòng kịp thời khi bị chó, mèo nghi dại cắn. Tuyệt đối không tự chữa trị tại nhà hoặc dùng thuốc nam sau khi bị chó, mèo cắn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin