Trong thời gian gần đây, chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã đạt được những kết quả rất khích lệ. Kết quả ấn tượng nhất là số trẻ em nhiễm HIV dưới 3 tuổi giảm liên tục và chỉ còn chưa bằng 1/5 số trẻ được chuẩn đoán nhiễm HIV vào năm 2012.
Chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai cần chủ động thăm khám, xét nghiệm HIV. Ảnh: Thùy Chi |
Trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV có xu hướng giảm mạnh
Cũng tương tự như vậy, số trẻ em nhiễm HIV dưới 1 tuổi giảm liên tục trong 10 năm qua. Nếu năm 2012, cả nước phát hiện 127 trẻ nhiễm dưới 1 tuổi thì đến năm 2021 con số này chỉ còn 26 trẻ và 9 tháng năm 2022 là 17 trẻ.
Dựa trên số liệu thống kê trong suốt 10 năm qua, số trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV có xu hướng giảm mạnh, từ 1.500 trẻ xuống còn hơn 600 trẻ mỗi năm; Tỉ lệ trẻ có kết quả chẩn đoán nhiễm HIV bằng CPR giảm mạnh từ 7,4% năm 2012 xuống 2,1 năm 2022.
Bên cạnh đó, với sự cập nhật liên tục và kịp thời khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại Việt Nam đã đạt được những kết quả rất tích cực và đang tiến gần đến mục tiêu hoàn thành trước hạn loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030.
Có được kết quả như trên do Việt Nam đã sớm áp dụng các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và vận hành các hoạt động dự phòng và điều trị rất nhuần nhuyễn theo các cấp độ: Dự phòng xa và điều trị triệt để.
Đặc biệt, việc ngành y tế triển khai Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bắt đầu từ năm 2009 với nhiều hoạt động sôi nổi trên toàn quốc đã làm thay đổi cơ bản nhận thức của người dân về HIV, góp phần giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với HIV/AIDS.
Nhờ những nỗ lực tích cực, truyền thông sôi nổi đã nâng cao ý thức dự phòng sớm lây nhiễm HIV cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ độ tuổi sinh đẻ. Đây là giai đoạn đầu tiên để giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho những người mẹ trong tương lai gần thông qua việc nâng cao hiểu biết về HIV/AIDS, các đường lây truyền và cách phòng tránh.
Hưởng ứng Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2023, nhiều địa phương trên toàn quốc đẩy mạnh các hoạt động dự phòng lây truyền HIV, tăng cường công tác xét nghiệm HIV và tăng cường công tác tuyên truyền, lồng ghép các chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông lưu động dự phòng lây truyền HIV
Tại Ninh Bình, trong tháng 6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt tổ chức truyền thông lưu động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại các huyện, thành phố trong tỉnh.
Lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong 3 con đường chính làm lây nhiễm HIV/AIDS, với nguy cơ lây từ mẹ sang con là 25 - 40%. Tuy nhiên, nếu bà mẹ được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả thì tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con chỉ còn 2-6%, thậm chí là 0%. Do vậy dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giảm đáng kể tỉ lệ trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ.
Công tác tuyên truyền được tập trung vào các nội dung như: Lợi ích của xét nghiệm sớm HIV cho phụ nữ mang thai; lợi ích của điều trị ARV sớm cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV; lợi ích của việc thực hiện chẩn đoán sớm nhiễm HIV ở trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV và điều trị ARV sớm cho trẻ được chẩn đoán nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ sang con; các biện pháp dự phòng lây nhiễm khác; quảng bá các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại địa phương.
Bằng các hình thức tuyên truyền như lưu động, pa nô, áp phích, tờ rơi, phát thanh trên loa đài tại các điểm đông dân cư..., đợt truyền thông trên địa bàn tỉnh nhằm tăng cường hiệu quả của chương trình HIV từ mẹ sang con và hướng tới mục tiêu chấm dứt HIV/AIDS vào năm 2030 tại Việt Nam.
Hưởng ứng Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2023, ngành Y tế tỉnh khuyến cáo tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai hãy chủ động đi khám, xét nghiệm HIV. Nếu phát hiện bệnh và được uống thuốc theo phác đồ điều trị sớm, bệnh nhân có thể đảm bảo hiệu quả tối ưu trong việc giảm tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con.
Nỗ lực hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con
Thực hiện những giải pháp quan trọng nhằm góp phần giảm đáng kể tỉ lệ trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ, từ năm 2009, Thanh Hóa đã triển khai chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Theo đó, các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được lồng ghép triệt để vào hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản nhằm tiếp cận với phụ nữ mang thai sớm nhất để có thể khắc phục tình trạng xét nghiệm HIV muộn và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng ARV muộn ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV.
Đặc biệt, hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản có mạng lưới rộng đến tuyến xã và thôn/bản vì vậy việc chăm sóc và hỗ trợ phụ nữ mang thai và con của họ tốt hơn trong suốt quá trình mang thai và sau sinh.
Bên cạnh đó, bằng nguồn ngân sách địa phương, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV miễn phí trong quá trình quản lý thai nghén, tại tuyến y tế cơ sở. Phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị ngay tại các cơ sở y tế, hỗ trợ thuốc ARV điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, bên cạnh được quản lý, chăm sóc điều trị, xét nghiệm miễn phí còn được cấp sữa ăn thay thế miễn phí, cho đến khi trẻ đủ 12 tháng tuổi. Việc phát hiện sớm, điều trị đúng, đủ đã làm giảm đáng kể tỉ lệ trẻ bị nhiễm HIV từ mẹ.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong 3 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh xét nghiệm HIV cho 7.563 phụ nữ mang thai, phát hiện mới 2 phụ nữ mang thai nhiễm HIV; điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho 11 phụ nữ mang thai nhiễm HIV; 11 trẻ đẻ sống từ mẹ nhiễm HIV và 100% trẻ đều được điều trị dự phòng ARV (xét nghiệm sau 18 tháng có kết quả âm tính đạt 100%); 7 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được xét nghiệm PCR lần 1, trong đó, số trẻ được làm xét nghiệm HIV trong vòng 2 tháng tuổi có 4 trẻ; số trẻ được làm xét nghiệm PCR từ 2 đến 18 tháng tuổi là 3 trẻ. 7/7 trẻ đều có kết quả HIV âm tính.
Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thanh Hóa cho biết, tỉ lệ người nhiễm HIV được điều trị đạt hơn 90%. Điều này có ý nghĩa rất lớn, bởi bệnh nhân được điều trị sớm sẽ giúp cải thiện được tình trạng sức khỏe. Đồng thời, ngăn chặn được sự nhân lên của virus HIV trong cơ thể, làm giảm khả năng lây nhiễm ra cộng đồng, giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con. Tuy nhiên, để sinh ra những con không bị nhiễm HIV, người mẹ nhiễm HIV phải được điều trị ARV và tuân thủ điều trị tốt; cần theo dõi thai kỳ, tuân thủ các biện pháp dự phòng lây nhiễm và điều trị dự phòng ngay cho trẻ từ lúc lọt lòng.
Các biện pháp can thiệp trong chương trình dự phòng lây truyền từ mẹ sang con dù khá hiệu quả nhưng nếu muốn sinh con, người nhiễm HIV cần có tư vấn của bác sĩ để được cung cấp đầy đủ thông tin, kiến thức cho một thai kỳ khỏe mạnh, cần được theo dõi, điều trị đầy đủ.
Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là chương trình nhằm mục tiêu góp phần giảm số trẻ bị lây nhiễm HIV từ mẹ, cải thiện chất lượng cuộc sống của phụ nữ nhiễm HIV cũng như giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Theo các chuyên gia, nếu không có can thiệp thì tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể từ 15 – 45%. Tuy nhiên, nếu bà mẹ được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả thì tỷ lệ này có thể giảm xuống chỉ còn 2 – 6%, thậm chí là 0%.
Theo đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, để thực hiện tốt mục tiêu này, bên cạnh công tác tuyên truyền, dự phòng lây truyền, cần triển khai đồng bộ nhiều hoạt động, trong đó có công tác tư vấn xét nghiệm phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai để từ đó áp dụng các biện pháp can thiệp dự phòng hiệu quả và đã làm thay đổi rất lớn quan điểm về mang thai và sinh sản ở phụ nữ nhiễm HIV so với thời kỳ đầu đại dịch HIV mới xuất hiện.
Để đạt được những kết quả lớn hơn nữa, hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cần tiếp tục triển khai rộng khắp, đúng quy trình, tăng cường khả năng tiếp cận cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV, trên cơ sở giảm dần và tiến đến xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS.
Chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai cần chủ động thăm khám, xét nghiệm HIV. Nếu phát hiện bệnh, cần được điều trị theo phác đồ sớm để bảo đảm hiệu quả tối ưu trong việc giảm tỉ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin