Hiện nay, tình trạng nhiều “thần Y” thổi phồng công dụng của thuốc đông y trên mạng xã hội diễn ra khá phổ biến. Đáng nói, nhiều người dân do nhẹ dạ, cả tin đã mua các loại thuốc này về sử dụng và phải chịu cảnh “tiền mất, tật mang”. Khi các thông tin bị “nhiễu loạn” trên môi trường mạng thì mỗi người dân hãy là những người tiêu dùng thông thái để không tự rước họa vào thân…
Quảng cáo "thổi phồng" thuốc điều trị dứt điểm cao huyết áp chỉ sau một liệu trình. Trong khi theo y khoa chưa có phương pháp điều trị dứt điểm các bệnh huyết áp, tiều đường (trừ một số trường hợp có nguyên nhân thực thể). |
Do bị trào ngược nên chị N.T.M, phường Túc Duyên (TP. Thái Nguyên), đã tìm hiểu trên mạng xã hội và mua thuốc của một lang y ở Lào Cai. Chị M. cho hay: Ngay khi tôi liên lạc qua messenger và để lại số điện thoại, một bạn nữ tự nhận là nhân viên của nhà thuốc đã liên hệ với tôi để trao đổi và nói là “chẩn đoán” bệnh. Tôi đã thông tin các triệu chứng bệnh mà mình gặp phải và được bạn nhân viên đề nghị sử dụng loại thuốc đông y (giới thiệu là bào chế từ mật ong, nghệ đen…) điều trị bệnh. Bạn này còn khẳng định chắc nịch, chỉ sau 3 liệu trình (3 tháng) sử dụng là bệnh sẽ khỏi hoàn toàn. Qua theo dõi trang Facebook, tôi thấy có nhiều phản hồi tốt từ bệnh nhân nên cũng rất tin tưởng. Vì vậy, dù phải mua với giá khá đắt (1 triệu đồng/tháng, gồm 3 lọ thuốc viên), tôi cũng chấp nhận. Tuy nhiên, sử dụng đến 6 liệu trình (6 tháng), bệnh của tôi không hề thuyên giảm. Do đó, tôi ngừng mua thuốc và phản hồi lại cho nhà thuốc thì không liên lạc được. Tôi cũng không tìm thấy trang Fanpage của nhà thuốc đó nữa, chắc họ đã “chặn” tôi rồi…
Dù vậy, chị M. vẫn rất may mắn bởi chị chỉ bị mất tiền “oan” chứ không gặp những hậu quả nặng nề như bà L.T.T ( 57 tuổi), ở Võ Nhai. Do tin tưởng thuốc đông y, bà đã không đi bệnh viện điều trị ung thư tuyến vú mà tự uống thuốc, đắp lá tại nhà. Khi khối u phát triển mạnh, bị di căn, bà mới đến Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên điều trị thì đã khá muộn. Các bác sĩ cho biết, bà đã bỏ qua giai đoạn “vàng” trong điều trị ung thư và không có khả năng điều trị hiệu quả. Trên thực tế, khi được phát hiện ở giai đoạn sớm, điều trị đúng phác đồ, nhiều bệnh nhân ung thư vú có thể được chữa khỏi hoàn toàn.
Trên thực tế, thuốc đông y có thể chữa trị hiệu quả nhiều bệnh thông thường nhưng không thể điều trị dứt điểm các loại bệnh nan y hoặc những bệnh mạn tính. Tuy nhiên, hiện nay, trên các trang Facebook, Zalo… lại nhan nhản quảng cáo bán các loại thuốc đông y chữa bệnh “thần kỳ”.
Đơn cử như trang Facebook của Lương y Triệu Thị Loan, được giới thiệu là ở thôn Tân Dân, Xã Hợp Hòa, Huyện Sơn Dương (Tuyên Quang), có loại thuốc điều trị trĩ rất “thần kỳ” khi khẳng định “trĩ cấp hay mãn tính lâu năm dùng ngay gói thuốc trĩ đặc biệt uống trong 3 ngày để giải quyết tất cả các hiện tượng khó chịu và uống hết cả liệu trình để cho bệnh không tái phát”. Đặc biệt, qua bài viết đăng tải trên Facebook, “lương y” này khẳng định, sau 3 ngày uống thuốc của mình, người bệnh co búi trĩ lên đến 70-80%; 20 ngày khỏi trĩ nội; 30 ngày khỏi hẳn bệnh trĩ .
Hay như trang Fanpage có tên Chữa bệnh cao huyết áp số 1 Việt Nam, khẳng định điều trị dứt điểm ngay cao huyết áp chỉ sau một liệu trình. Số điện thoại để liên hệ mua thuốc là 0385.562.558, địa chỉ của nhà thuốc ở xã Ba Vì, huyện Ba Vì (Hà Nội)… Đáng nói, bài thuốc này còn được một diễn viên, MC nổi tiếng của Việt Nam tham gia quảng cáo.
Việc thổi phồng công dụng của các nhà thuốc đông y trên không gian mạng khiến nhiều bác sĩ thấy lo ngại. Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Hà, Giám đốc Bệnh viện An Phú (TP. Thái Nguyên), qua theo dõi Facebook, Zalo… tôi thấy nhiều trường hợp quảng cáo giới thiệu thuốc đông y do họ bào chế có thể điều trị dứt điểm cao huyết áp; tiểu đường; trĩ độ 1, 2, 3 và 4. Tôi đang thắc mắc, không biết cơ quan nào cấp phép quảng cáo và cơ quan quản lý đang ở đâu.
Bác sĩ Hà cũng khuyến cáo: Mọi người cần hết sức cẩn thận bởi y học thế giới còn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm các bệnh huyết áp, tiều đường (trừ một số trường hợp có nguyên nhân thực thể). Còn với bệnh trĩ, có thể được điều trị bằng thuốc, bôi, uống, nặng thì phẫu thuật chứ không thể điều trị dứt điểm theo cách mà một số lương y quảng cáo.
Ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết: Hoạt động quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng phải đảm bảo các quy định về cung cấp thông tin trên không gian mạng. Đặc biệt là phải đúng theo các quy định của ngành Y về quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt theo Luật Quảng cáo 2012; Luật An toàn thực phẩm 2010; Luật Báo chí 2016...
Bởi vậy, để ngăn chặn tình trạng quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng “thổi phồng” công dụng thì việc “mạnh tay” đối với những trường hợp quảng cáo thuốc đông y, thực phẩm chức năng không đúng với nội dung xác nhận của Cục An toàn thực phẩm, quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh... là rất cần thiết. Cùng với đó là tiếp tục tăng cường việc quản lý hoạt động quảng cáo trên không gian mạng, nhất là quảng cáo các loại thuốc, thực phẩm chức năng, để kịp thời phát hiện và có sự phối hợp trong xử lý sai phạm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin