Là bệnh viện hạng I, bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Bệnh viện Nhi Trung ương, thời gian qua, Bệnh viện A Thái Nguyên không chỉ mạnh dạn đầu tư các trang, thiết bị y tế hiện đại mà còn chủ động đưa các kỹ thuật mới, hiện đại vào phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Hiện nay, Đơn vị Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh của Bệnh viện đã thực hiện thành công kỹ thuật truyền ối, giúp sản phụ hiếm muộn bị thiểu ối nặng giữ được thai đến tuần 37, sinh con khỏe mạnh.
Các y, bác sĩ của Bệnh viện A Thái Nguyên thực hiện kỹ thuật truyền ối cho sản phụ. |
Kỹ thuật truyền ối được thực hiện cho thai phụ mang thai thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Trước đó, Chị L.T.H 28 tuổi ở Thái Nguyên, hiếm muộn nhiều năm, nên khi đậu thai IVF, chị rất vui và giữ gìn cẩn thận. Dù vậy, khi ở tuần thứ 23, thai nhi ít đạp hơn trước. Đi khám thai, siêu âm phát hiện thai bị thiếu ối nặng, chị và gia đình rất lo lắng. Quan sát hình ảnh trên siêu âm, các bác sĩ và chị H. đều nhìn thấy thai nhi bị bó chặt, chèn ép trong tử cung, đối mặt với nguy cơ lưu thai, thai chậm tăng trưởng.
Niềm vui đã trở lại với sản phụ hiếm muộn này khi chị biết Bệnh viện A Thái Nguyên có thể thực hiện được các kỹ thuật can thiệp bào thai như chọc ối, giảm ối, truyền ối...
Dưới sự can thiệp của người thày thuốc giàu nhiệt huyết, ca kỹ thuật đã nhanh chóng được thực hiện. Với kiến thức và kỹ năng được đào tạo bài bản, bác sĩ CK II Nguyễn Trí Tọa (phụ trách Đơn vị Chẩn đoán trước sinh của bệnh viện), người đã được đào tạo về lĩnh vực này tại Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cùng ê kíp đã truyền ối thành công, giữ lại thai nhi an toàn trong bụng mẹ cho sản phụ.
Theo chia sẻ của các bác sĩ, chỉ ngay sau truyền ối, chị H. được các bác sĩ cho xem hình ảnh siêu âm của con. Chị rất vui, hạnh phúc khi lượng nước ối trở lại bình thường, thai nhi lại cử động linh hoạt. Sau truyền ối, nhiệm vụ của các bác sĩ vẫn chưa dừng lại, thai nhi được theo dõi định kỳ chặt chẽ tại Đơn nguyên chẩn đoán trước sinh nhằm giữ em bé lâu nhất có thể trong bụng mẹ và chào đời an toàn.
Mỗi ngày qua đi, sự nỗ lực dần tích lũy thành trái ngọt, chị L.T.H đã giữ thai được đến tuần thứ 37. Ngày 15 tháng 9 vừa qua, chị sinh một bé gái nặng 2,4kg khỏe mạnh, đánh dấu hoàn thành chặng đường gian nan tìm con của một người mẹ hiếm muộn.
Bác sĩ Hà Hải Bằng, Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên, chia sẻ: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu ối ở sản phụ như có bệnh lý về màng ối, hoặc thai nhi có vấn đề liên quan đến cơ quan tiết niệu…Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp không rõ nguyên nhân. Việc đánh giá thiểu ối chỉ có thể được thực hiện thông qua siêu âm, đo chỉ số nước ối. Vì vậy, sản phụ phải kiểm tra sức khỏe định kỳ trong thời gian mang thai. Nếu tình trạng thiểu ối của sản phụ kéo dài, phổi của thai nhi sẽ có vấn đề, hoặc khi thai nhi nằm bất động sẽ khiến cứng khớp thai nhi hoặc tử cung bóp chặt thai nhi, làm cản trở tuần hoàn của thai nhi, dẫn tới thai chậm tăng trưởng, thai chết lưu.
Như vậy, truyền ối chính là một “cứu cánh” tuyệt vời cho những sản phụ mang thai bị thiếu ối. Đây là một kỹ thuật cao trong lĩnh vực y học bào thai, được chỉ định cho những trường hợp thai thiếu ối nặng, cạn ối mà màng ối chưa bị rách. Bản chất của kỹ thuật truyền ối là đưa một dung dịch vô khuẩn để làm tăng nước trong buồng ối của bào thai, để thai tiếp tục phát triển.
Có thể thấy, nhờ có kỹ thuật hiện đại, những thầy thuốc có tay nghề và cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại, một bệnh viện tuyến tỉnh như Bệnh viện A Thái Nguyên đã thực hiện được nhiều kỹ thuật khó của tuyến trung ương và “biến” những điều tưởng như không thể, thành có thể.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin