Ở cơ sở y tế đi đầu trong chuyển đổi số

Tùng Lâm 08:15, 31/01/2023

Với 33 khoa, phòng, 675 cán bộ, viên chức, khám, chữa bệnh cho trên 200 nghìn lượt người/năm, Bệnh viện A Thái Nguyên đang là một trong những cơ sở y tế đi đầu trong chuyển đổi số của tỉnh. Nhờ thường xuyên ứng dụng công nghệ mới, công nghệ thông tin (CNTT) vào quản lý khám, chữa bệnh, Bệnh viện đã tạo dựng được nền tảng vững chắc trong quá trình chuyển đổi số.

Việc triển khai phần mềm quản lý tổng thể bệnh viện (Hsoft) trong công tác khám, chữa bệnh đã giúp kết nối toàn bộ dữ liệu, kết quả xét nghiệm trên toàn hệ thống của Bệnh viện A Thái Nguyên.
Việc triển khai phần mềm quản lý tổng thể bệnh viện (Hsoft) trong công tác khám, chữa bệnh đã giúp kết nối toàn bộ dữ liệu, kết quả xét nghiệm trên toàn hệ thống của Bệnh viện A Thái Nguyên.

Đến nay, 100% khoa, phòng của Bệnh viện A đã được trang bị máy tính kết nối mạng nội bộ, mạng Internet. Theo đó, hệ thống CNTT kết nối liên hoàn, đồng bộ các trang thiết bị trên tất cả các khâu: Từ tiếp nhận, quản lý bệnh nhân, quản lý xét nghiệm, hỗ trợ quyết định y khoa, quản lý dược, tài chính kế toán...

Bác sĩ CKII Hà Hải Bằng, Giám đốc Bệnh viện, cho biết: Đơn vị chính thức triển khai phần mềm quản lý tổng thể bệnh viện (Hsoft) trong công tác khám, chữa bệnh từ tháng 10/2012 cho đến nay đã hoạt động ổn định. Các phần mềm quản lý khám, chữa bệnh ngoại trú, nội trú; dược, vật tư y tế; viện phí; xét nghiệm, CĐHA; nhà thuốc; trang thiết bị; nhân lực được lắp đặt, đưa vào sử dụng đã giúp cho quá trình quản lý được minh bạch hóa, nhanh gọn, chính xác, tiết giảm thời gian, nâng cao hiệu quả công tác khám, chữa bệnh.

Từ khi triển khai các phần mềm quản lý khám, chữa bệnh, các bác sĩ của Bệnh viện có thể xem trực tiếp hình ảnh của bệnh nhân ở bất cứ đâu, trong thời gian nhanh nhất.

Bác sĩ Hà Hải Bằng nhận định: Hiệu quả rõ nét nhất của chuyển đổi số chính là người bệnh không mất thời gian chờ đợi như trước đây. Đặc biệt, việc giải quyết thủ tục hành chính được quan tâm, thực hiện nhanh gọn, tiết kiệm thời gian, tạo sự công bằng cho mọi người khi đến khám và điều trị.

Nhằm tạo thuận lợi cho người dân, Bệnh viện cũng đã triển khai cho bệnh nhân lấy số thứ tự trước khi vào đăng ký khám, chữa bệnh; triển khai áp dụng CNTT ngay từ khâu đón tiếp thông qua tích hợp dùng thẻ CCCD và quét mã QR BHYT.

Ông Hà Văn Thâm, xã Tân Thái (Đại Từ), nói: Khi đưa người nhà đến đây khám bệnh, tôi thấy Bệnh viện tổ chức khâu đón tiếp rất nhanh gọn. Nhờ đó, người bệnh không phải chờ đợi lâu, chen lấn, giảm bớt áp lực cho cán bộ y tế…

Một trong những bước đột phá trong chuyển đổi số của Bệnh viện A Thái Nguyên là bệnh án đã được số hóa toàn bộ. Hệ thống PAC S Phim chụp được số hóa chuyển tải trên hệ thống, các bác sĩ tại các khoa xem được giúp đánh giá quá trình điều trị trước, sau cũng như giúp cho việc hội chẩn dễ dàng.

Bác sĩ Hà Hải Bằng cho biết thêm: Với bệnh án điện tử, bệnh viện thuận lợi hơn trong triển khai giám sát tuân thủ phác đồ điều trị cùng hệ thống nhắc, cảnh báo kê đơn, chỉ định cận lâm sàng hỗ trợ bác sĩ ra quyết định. Bệnh nhân không phải lưu trữ các loại giấy tờ bệnh án như: Kết quả chẩn đoán, kết quả xét nghiệm, siêu âm, hay danh mục thuốc. Bệnh nhân có thể so sánh các chỉ số xét nghiệm, siêu âm hay kết quả khám sức khỏe tổng quát định kỳ của những lần thăm khám trước...

Việc triển khai nâng cấp phần mềm quản lý bệnh viện đã triển khai bệnh án điện tử mức cơ bản, từ đó có thẻ quét mã QR có thể tra cứu xét nghiệm và xem kết quả trên điện thoại. Đặc biệt, người dân có thể thanh toán viện phí không dùng tiền bằng bằng cách thanh toán theo mã QR…

Tuy nhiên, cùng với những kết quả nêu trên, hiện nay, Bệnh viện đang gặp không ít khó khăn trong việc tuyển dụng và duy trì đội ngũ cán bộ CNTT. Cùng với đó, việc chưa có kết cấu chi phí CNTT trong giá dịch vụ y tế cũng như chưa có phần mềm chung cho ngành Y tế và phần mềm chưa có khung giá cụ thể gây khó khăn khi nâng cấp, thuê hay mua mới của đơn vị…

Với mong muốn thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi số, năm 2023, Bệnh viện tiếp tục nâng cấp, cải tạo hạ tầng mạng LAN, đảm bảo an toàn bảo mật thông tin và tích hợp vào trục dữ liệu y tế. Để thực hiện được mục tiêu này, Bệnh viện đề nghị các cấp, ngành chức năng đưa kết cấu chi phí công nghệ thông tin vào giá dịch vụ y tế; bổ sung các quy định về định mức, tiêu chuẩn, thiết bị CNTT trong ngành Y tế để thực hiện chuyển đổi số; có chính sách thu hút, đãi ngộ cán bộ CNTT có trình độ, năng lực…