Trước đây, khi đau ốm, người dân thường tự chữa tại nhà, dẫn đến bệnh lâu khỏi, thậm chí gây hậu quả khôn lường. Ngày nay, ngay ở các xã miền núi, bà con nhân dân cũng thường đến trạm y tế xã hoặc bệnh viện, trung tâm y tế huyện để được thăm khám, điều trị bệnh… Theo ông Đỗ Trọng Vũ, Phó Giám đốc Sở Y tế, để có được những chuyển biến tích cực này trước hết phải nói đến vai trò của các nhân viên y tế thôn bản trong việc tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
Nhân viên y tế thôn bản xóm Cạm Phước, xã Kim Phượng (Định Hóa), cân trẻ để theo dõi sức khỏe và dinh dưỡng của trẻ. |
Nỗ lực vì cộng đồng
Ông Đỗ Trọng Vũ chia sẻ thêm: Trải qua mấy chục năm, đội ngũ nhân viên y tế thôn bản (NVYTTB) luôn là cánh tay nối dài của ngành y tế tại cơ sở; đóng góp lớn trong việc trực tiếp chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trên địa bàn. Tuy khó khăn vất vả nhưng họ luôn nhiệt huyết, yêu nghề. Tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, họ băng rừng, vượt suối, đem sức khoẻ đến với người dân. Những NVYTTB không chỉ “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” theo kiểu truyền thống, mà họ còn luôn tìm hướng đổi mới phương pháp truyền thông.
Chị Phạm Thị Tuyết Nhung, sinh năm 1979, ở xóm Cạm Phước, xã Kim Phượng (Định Hóa), đảm nhận vai trò NVYTTB từ khi mới 20 tuổi cho đến nay. Suốt 1/4 thế kỷ làm NVYTTB, từ lúc phụ cấp chỉ là 40 nghìn đồng/tháng, sau tăng lên 80-120-180 nghìn đồng/tháng… và giờ là 0,3 mức lương tối thiểu, có thể nói, chị là người hiểu rõ nhất những thay đổi trong đời sống sức khỏe của người dân và cách thức “vận hành” công việc của NVYTTB hiện nay cũng khác xưa rất nhiều.
Nếu như trước đây, nhiều phụ nữ vẫn còn sinh nở tại nhà, thì nhiều năm gần đây, chị em đều đã chủ động đến bệnh viện. Trong quá trình mang thai, họ còn biết phải tiêm đủ 3 mũi phòng uốn ván; biết cách chăm sóc con sao cho đảm bảo dinh dưỡng, biết đưa con đến trạm y tế tiêm đủ các mũi vắc-xin trong chương trình tiêm chủng của Nhà nước… Kết quả này đạt được một phần là nhờ NVYTTB đã tuyên truyền, vận động, thông báo, đôn đốc… đến từng đối tượng.
Cũng theo chị Nhung, nhờ công nghệ thông tin phát triển nên thay vì phải “gõ cửa từng nhà”, khi có gì cần thông báo, NVYTTB giờ chỉ cần nhắn tin hoặc gọi qua zalo cho người cần truyền đạt là được. Chỉ những trường hợp không thể liên lạc bằng cách này mới phải đến tận nhà.
Khẳng định vai trò “cánh tay nối dài”
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa vai trò của NVYTTB hiện nay giảm đi so với trước đây. Anh Phạm Văn Tùng, Phó trạm trưởng phụ trách Trạm Y tế xã Kim Phượng, cho biết: Nhiệm vụ của NVYTTB hiện rất nhiều, bao gồm: Tuyên truyền, giáo dục sức khỏe tại cộng đồng; thực hiện các hoạt động chuyên môn về y tế; chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và kế hoạch hóa gia đình; sơ cứu ban đầu và chăm sóc bệnh thông thường. Ngoài ra, NVYTTB còn thực hiện các chương trình y tế tại thôn, bản; tham gia giao ban định kỳ với trạm y tế; tiến hành ghi chép, báo cáo kịp thời, đầy đủ theo quy định… Nhờ có NVYTTB mà trạm y tế xã mới nắm bắt kịp thời tình hình thực tế tại cơ sở.
Còn theo chị Bùi Thị Hiệp, Phó Trạm trưởng Trạm Y tế xã Khôi Kỳ (Đại Từ): Nhờ làm tốt công tác quản lý và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân nên đến nay, tiêu chí về y tế đối với xã nông thôn mới nâng cao mà Khôi Kỳ phấn đấu về đích trong năm 2024 đều đã hoàn thành và hoàn thành vượt. Cụ thể: Tỷ lệ người dân có hồ sơ được quản lý sức khỏe tại Trạm hiện đạt trên 90%; số người cài đặt sổ sức khỏe điện tử đạt hơn 80%; tỷ lệ người dân được tư vấn, khám sức khỏe từ xa đạt 43%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng hàng năm đều giảm từ 1-2% (hiện còn hơn 6%)… Các NVYTTB của xã đều có trình độ chuyên môn về y tế từ sơ cấp trở lên hoặc đã hoàn thành khóa đào tạo từ 3 tháng trở lên theo quy định của Bộ Y tế.
Nhân viên y tế tổ dân phố phường Hương Sơn (TP. Thái Nguyên) tham gia hỗ trợ công tác khám chữa bệnh miễn phí tại Trạm y tế. |
Được biết, toàn tỉnh hiện có 2.163/2.252 xóm, tổ dân phố có NVYTTB; 18 thôn bản còn hoạt động của cô đỡ thôn bản. Theo Nghị quyết số 21/2023/NQ-HĐND ngày 8/12/2023 của HĐND tỉnh, đối với các xóm tại xã thuộc vùng khó khăn, NVYTTB được hưởng phụ cấp hằng tháng bằng 0,5 lần mức lương cơ sở; tại các xóm thuộc các xã còn lại được hưởng 0,3 lần mức lương cơ sở; tại các phường, thị trấn được hưởng 0,2 lần mức lương cơ sở. Cô đỡ thôn bản hưởng theo mức hỗ trợ của NVYTTB trên địa bàn.
Chú trọng nâng cao chất lượng
Với vai trò quan trọng của NVYTTB trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, nên việc nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ cho những người làm công tác này được xem là một nhiệm vụ quan trọng của ngành Y tế nói chung, của tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Vì thế hằng năm, NVYTTB các địa phương đều được tham gia nhiều buổi tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ do các cấp, ngành chức năng tổ chức.
Riêng năm 2024, thực hiện Thông tư số 27/2023/TT-BYT ngày 29/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và nội dung đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ của NVYTTB, cô đỡ thôn bản, ngay từ đầu năm, Sở Y tế đã chỉ đạo trung tâm y tế các địa phương thực hiện rà soát NVYTTB trên địa bàn toàn tỉnh, lập kế hoạch đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho NVYTTB, cô đỡ thôn bản đang hoạt động chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và phạm vi hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch để tổ chức đào tạo cho 276 người có nhu cầu nguyện vọng làm NVYTTB. Dự kiến, hết năm 2024 sẽ kết thúc chương trình đào tạo và cấp chứng chỉ cho các học viên.
Có thể nói, NVYTTB từ khi ra đời đến nay đã luôn làm tốt vai trò, sứ mệnh của mình trong công cuộc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân và sẽ tiếp tục là một bộ phận không thể thiếu của ngành Y tế. Trước bối cảnh mô hình bệnh tật ngày càng diễn biến phức tạp và số lượng các hộ dân phải quản lý ngày càng tăng cao do việc thực hiện sáp nhập các xã, xóm, cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm hỗ trợ, động viên hơn nữa cả về vật chất lẫn tinh thần, cũng như nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ NVYTTB, để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe toàn dân ngày càng tốt hơn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin