Hiện nay, Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên đang quản lý trên 470 bệnh nhân tâm thần, trong đó có hơn 410 bệnh nhân được quản lý, chăm sóc tại cộng đồng. Với nhiều nỗ lực, thời gian qua, công tác quản lý, điều trị bệnh nhân mắc bệnh tâm thần tại cộng đồng trên địa bàn TP. Thái Nguyên đã đạt được những kết quả rất tích cực.
Cán bộ Trung tâm Y tế thành phố thái nguyên kiểm tra sức khỏe cho người dân nhằm phát hiện các bệnh lý, trong đó có bệnh tâm thần. |
Chúng tôi được biết, trong số những người bệnh đang được quản lý, điều trị, chăm sóc tại cộng đồng trên địa bàn TP. Thái Nguyên có trên 230 người bệnh tâm thần phân liệt và gần 180 bệnh nhân động kinh.
Thạc sĩ, bác sĩ Hà Đức Trịnh, Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên, cho biết: Các rối loạn tâm thần là một trong các nhóm bệnh không lây nhiễm. Đây là những bệnh do hoạt động của bộ não bị rối loạn gây nên những biến đổi bất thường về lời nói, ý tưởng, hành vi, tác phong, tình cảm… Theo đó, những bệnh như trầm cảm, lệ thuộc rượu, lệ thuộc (nghiện) ma túy… là một trong các bệnh lý tâm thần làm tăng gánh nặng chi phí bệnh tật cho xã hội. Tuy nhiên, nếu chúng ta phát hiện kịp thời, có can thiệp ngay từ đầu sẽ giúp ngăn chặn sự tiến triển bệnh trên người bệnh và ảnh hưởng tốt đến sự phát triển của cộng đồng. Do đó, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến công tác khám sàng lọc, phát hiện sớm tình trạng của người bệnh.
Cùng với đó, Trung tâm luôn quan tâm tới công tác quản lý, điều trị, chăm sóc bệnh nhân tâm thần trong cộng đồng; lập hồ sơ bệnh án và chỉ định thuốc ngoại trú cho người bệnh tâm thần. Định kỳ hằng tháng, các bác sĩ của Trung tâm khám, kê đơn cấp thuốc điều trị cho người bệnh theo quy định. Đặc biệt, cán bộ, nhân viên của Trung tâm luôn xử trí kịp thời những người bệnh tái phát, người bệnh mới phát hiện trên địa bàn.
Song hành cùng cán bộ của Trung tâm, các trạm y tế xã, phường cũng có cán bộ phụ trách về sức khoẻ tâm thần. Trạm trưởng trạm y tế của 32 xã, phường chỉ đạo việc quản lý hồ sơ bệnh án của người bệnh tâm thần trên địa bàn. Hằng tháng, cán bộ của trạm y tế cũng tham gia khám bệnh và cấp phát thuốc cho người bệnh theo chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa tuyến trên.
Chị Nông Thị Tuyển, cán bộ Trạm Y tế phường Tân Lập, nói: Chúng tôi không ngại khó khăn khi tiếp cận với người bệnh mà chỉ mong những nỗ lực của cán bộ y tế được đền đáp bằng sự tiến triển tốt đẹp của họ. Trên thực tế, nhiều bệnh nhân sử dụng thuốc điều trị đều đặn, có sự quan tâm yêu thương, chia sẻ của cộng đồng, người thân đã vượt qua bệnh tật và có sức khỏe tâm thần ổn định trở lại. Đây chính là động lực để những cán bộ y tế tuyến cơ sở chúng tôi nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc quản lý, điều trị, chăm sóc người bệnh tâm thần tại cộng đồng.
Đúng như chia sẻ của chị Tuyển, nhiều bệnh nhân tâm thần trên địa bàn đã hòa nhập cộng đồng, sống lạc quan, vui vẻ. Bà Đ.T.B, phường Thịnh Đán, từng là một bệnh nhân, cho hay: Tôi từng gặp nhiều khó khăn về kinh tế do chồng, con đều bị bệnh tật. Chính những áp lực ấy đã khiến cho tôi suy nghĩ nhiều, mất ngủ và có những biểu hiện của rối loạn tâm thần. Sau này, được khám, điều trị kịp thời nên tôi đã hoàn toàn khỏi bệnh.
Có thể thấy, mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần tại TP. Thái Nguyên đã được thực hiện khá bài bản. Tuy nhiên, để công tác này đạt hiệu quả cao hơn nữa thì việc đào tạo cán bộ, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh tâm thần rất cần được quan tâm.
Cùng với đó, các cấp, ngành cần có sự phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế để làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về sức khoẻ tâm thần cho mọi người hiểu đúng hơn về các bệnh tâm thần, biết cách chăm sóc, nuôi dưỡng và cho bệnh nhân tâm thần uổng thuốc tại nhà. Đặc biệt, chính quyền các cấp, các tổ chức nhân đạo trên địa bàn nên giải quyết việc làm thích hợp cho bệnh nhân tâm thần, tổ chức cho họ vui chơi, giải trí, tái hoà nhập vào cộng đồng…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin