Phòng tránh “sốc nhiệt” khi trời rét đột ngột

Tùng Lâm 10:28, 05/12/2022

Gần 1 tuần qua, Thái Nguyên bước vào đợt rét đậm, rét hại đầu tiên. Từ nền nhiệt độ 25 đến 30 độ C, chỉ sau một đêm, nhiệt độ giảm sâu xuống dưới 20 độ C. Do đó, không ít người chưa thể thích nghi kịp thời với hình thái thời tiết này. Theo các bác sĩ, sự thay đổi nhiệt độ nhanh chóng khiến nhiều người có thể rơi vào tình trạng “sốc nhiệt”.

Trời rét đột ngột có thể khiến nhiều người cao tuổi bị đột quỵ. Trong ảnh: Tập phục hồi cho bệnh nhân cao tuổi bị đột quỵ tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.
Trời rét đột ngột có thể khiến nhiều người cao tuổi bị đột quỵ. Trong ảnh: Tập phục hồi cho bệnh nhân cao tuổi bị đột quỵ tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.

Từ khi trời trở rét, bà Vũ Thị Hòa, 77 tuổi, ở tổ 4, phường  Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), luôn cảm thấy ù tai, đau buốt nửa đầu. Bà cho hay: Nhiệt độ giảm đột  ngột nên tôi thấy rất mệt, chân tay lạnh buốt, khó ngủ, đầu như bị kim châm. Trời chuyển rét nên tôi không dám đi ra ngoài tập thể dục (đi bộ) vào sáng sớm hoặc chiều tối vì sợ bị “sốc nhiệt”.

Khi nhắc đến hai từ sốc nhiệt, đa phần mọi người liên tưởng đến tình trạng nhiệt độ cơ thể tăng cao trên 40 độ do nền nhiệt độ ngoài trời tăng cao. Tuy nhiên, “sốc nhiệt” cũng có thể xảy ra khi trời trở lạnh đột ngột, nền nhiệt đang từ nắng nóng chuyển sang rét đậm, rét hại.

Theo bác sĩ Phan Thanh Nhung, Phó Trưởng Khoa Khám bệnh theo yêu cầu (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên), sốc nhiệt là trạng thái thay đổi nhiệt độ của cơ thể một cách đột ngột, từ lạnh sang nóng hay từ nóng sang lạnh… Đây là trạng thái rất nguy hiểm và có thể dẫn tới tử vong ngay lập tức. Trên thực tế, nhiệt độ giảm đột ngột làm cho chúng ta phải tiêu tốn nhiều năng lượng hơn, khiến sức đề kháng suy giảm. Với những người nhạy cảm, sức đề kháng yếu, nguy cơ mắc bệnh rất cao, nhất là đối với người già và trẻ em.

Các bệnh thường gặp khi thời tiết trở lạnh đột ngột là đột quỵ, dị ứng thời tiết, liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên gây méo miệng, liệt mặt… Trong đó, đột quỵ thường gây biến chứng nguy hiểm nhất, nặng có thể gây tử vong, nhẹ hơn là bị liệt nửa người, toàn thân, phải sống “thực vật”…

Bởi vậy, việc theo dõi, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe trong mùa Đông, nhất là vào những ngày gió mùa Đông Bắc tràn về khiến nền nhiệt độ giảm sâu là rất cần thiết. Các bác sĩ khuyến cáo, vào những ngày giá rét, mọi người cần giữ ấm cơ thể bằng cách mặc đủ ấm, nhất là khi đi ra ngoài trời, đặc biệt cần quan tâm giữ ấm cổ, ngực, bàn chân…

Đáng nói, trong những ngày rét đậm, rét hại như hiện nay, mọi người không được tắm rửa bằng nước lạnh mà phải sử dụng nước ấm và tránh tắm lâu, tắm vào lúc đêm khuya. Đây là thời điểm nhiệt độ xuống thấp nhất, khi tắm, cơ thể dễ bị lạnh có thể dẫn đến bị cảm lạnh, đột quỵ, tăng hoặc giảm huyết áp đột ngột…

Cùng với giữ ấm cơ thể thì việc ăn uống đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý chính là cách để chúng ta nâng cao sức đề kháng, chống lại các loại bệnh tật, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 vẫn có những diễn biến khó lường và có thể bùng phát vào mùa lạnh như hiện nay.

Những thực phẩm có lợi cho sức khỏe được các chuyên gia dinh dưỡng khuyên tăng cường dùng vào mùa lạnh là rau xanh, trái cây. Ngoài ra, mọi người nên sử dụng thêm các gia vị như hành, tỏi, gừng, quế… bởi chúng giúp giữ ấm rất tốt và nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.

Một trong những việc cần thiết phải thực hiện trong mùa lạnh nữa là thể dục - thể thao. Đây chính là biện pháp giúp chúng ta giữ ấm cơ thể, nâng cao sức khỏe, sự dẻo dai để phòng chống lại bệnh tật.

Điều cần lưu ý nữa là vào thời điểm thời tiết thay đổi đột ngột, nền nhiệt xuống thấp, những người có sức đề kháng kém khi thấy có các triệu chứng, như: Thở nhanh, hời hợt, tim đập nhanh, đau đầu, chóng mặt, choáng váng, buồn nôn, huyết áp tăng cao hoặc hạ thấp, ngưng đổ mồ hôi… thì cần đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.