Sáng 23-1, không khí lạnh tăng cường đã ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ, trong đó có Thái Nguyên. Nền nhiệt độ duy trì ở mức thấp, từ 8 đến 12 độ C. Đây là đợt lạnh nhất tại Thái Nguyên từ đầu mùa Đông đến nay. Sự thay đổi thời tiết từ ấm áp sang lạnh sâu như hiện nay có nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người, nhất là người già, trẻ nhỏ và những người có sức đề kháng kém.
Những ngày giá rét, người già cần giữ ấm cơ thể, không đi ra khỏi nhà khi trời lạnh giá và kiểm tra huyết áp thường xuyên. Trong ảnh: Bác sĩ Bệnh viện A Thái Nguyên kiểm tra huyết áp cho một người cao tuổi ở xã Phấn Mễ (Phú Lương). |
Theo ghi nhận của chúng tôi tại một số phòng khám tư nhân, từ ngày 21-1 đến nay, khi trời bắt đầu chuyển rét, số trẻ mắc các bệnh về hô hấp tăng đột biến. Đơn cử như tại Phòng khám Nhi khoa An Thịnh, đường Bắc Kạn, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), số trẻ đến khám tăng khoảng 50% (khoảng 40 trẻ/ngày). Anh Lê Quảng Hà, phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên), nói: Hai hôm nay, con trai mới hơn 10 tháng tuổi của tôi xuất hiện tình trạng sốt cao, nôn, bỏ ăn. Qua thăm khám, bác sĩ kết luận cháu bị viêm họng cấp, phải dùng thuốc kháng sinh. Sau đợt ốm này, chắc con lại sụt cân và mất khá nhiều thời gian để hồi phục.
Tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập như Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Bệnh viện A Thái Nguyên, Bệnh viện Gang thép.., số bệnh nhân là trẻ em, người già mắc các bệnh về đường hô hấp đến khám cũng tăng đáng kể, tăng khoảng 30% so với tuần trước đó. Đặc biệt, nhiều trường hợp phải nhập viện do huyết áp tăng cao, đột quỵ…
Theo chia sẻ của bác sĩ Phan Thanh Nhung, Phó Trưởng Khoa Khám bệnh theo yêu cầu (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên), khi thời tiết thay đổi đột ngột, nền nhiệt giảm xuống khoảng 10 độ C như hiện nay, con người có thể mắc nhiều bệnh. Các bệnh người già thường gặp là huyết áp không ổn định, thoái hóa khớp và các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp, tim mạch… Các bệnh thường gặp ở trẻ là viêm họng, viêm mũi, chảy nước mũi, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, viêm phổi… Đặc biệt, khi thời tiết lạnh, các bệnh liên quan đến đường hô hấp thường gặp như viêm phế quản cấp, viêm phổi ở những bệnh nhân có bệnh lý nền (hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính) sẽ khó kiểm soát hơn.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đợt rét đậm, rét hại này sẽ kéo dài đến cuối tuần (27, 28-1). Tại Thái Nguyên, do nhiệt độ xuống thấp (dưới 10 độ C), ngày 23-1, nhiều trường mầm non, tiểu học đã cho học sinh nghỉ học để bảo vệ sức khỏe cho trẻ.
Các phụ huynh được khuyến cáo quan tâm giữ ấm cho con trẻ bằng cách mặc quần áo dài, đội mũ, đeo găng tay, tất chân... và tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh; không để trẻ tiếp xúc với người có dấu hiệu bị bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu…
Người già và những người mắc bệnh lý nền như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cùng với việc giữ ấm cơ thể, cần quan tâm theo dõi sức khỏe, nhất là đo huyết áp thường xuyên; không nên đi tập thể dục vào sáng sớm hoặc ra khỏi nhà khi tiết trời lạnh giá.
Đặc biệt, để “bảo toàn” sức khỏe qua những ngày Đông lạnh giá, mỗi người cần có chế độ nghỉ ngơi, ăn uống khoa học; tăng cường ăn rau quả chứa nhiều vitamin C như cam, chanh, bưởi, cà chua, quýt... ; đảm bảo vệ sinh môi trường, gia đình, cá nhân; thường xuyên rửa tay với xà phòng và vệ sinh mũi, họng bằng nước muối; đeo khẩu trang khi đến nơi đông người hay khi di chuyển trên đường. Khi có dấu hiệu nghi bị bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin