Mô hình hợp đồng xã hội: Hướng đến bảo đảm tài chính trong phòng chống HIV

Theo Tiengchuong.vn 08:52, 22/12/2022

Để bảo đảm tài chính trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, thời gian qua, ngành Y tế đã rất nỗ lực trong việc thí điểm hợp đồng xã hội và đã mang lại nhiều kết quả, tạo thuận lợi và cơ hội cho bệnh nhân và những người nguy cơ cao lây nhiễm HIV được tiếp cận đa dạng các dịch vụ.

Tư vấn cho bệnh nhân HIV. Ảnh: Thùy Chi
Tư vấn cho bệnh nhân HIV. Ảnh: Thùy Chi

Hiện nay, trong bối cảnh các nguồn viện trợ dành cho công tác phòng, chống HIV/AIDS ngày càng hạn chế thì việc thực hiện chủ trương hợp đồng xã hội có ý nghĩa quan trọng. Theo đó, vẫn từ nguồn ngân sách dành cho công tác phòng, chống HIV/AIDS nhưng sẽ được sử dụng hiệu quả hơn mà không làm gia tăng bộ máy cơ quan Nhà nước. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện các dự án với đối tác nước ngoài phần lớn các tổ chức xã hội đã có nhiều kinh nghiệm, cũng như cách tiếp cận sâu hơn tới đối tượng vì vậy, khi thực hiện mô hình hợp đồng xã hội đem lại lợi ích lớn, đặc biệt đối với các tổ chức dân sự xã hội (CSO) và các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO).

Là một trong những tỉnh được thí điểm mô hình này, Đồng Nai đã bắt đầu thí điểm hợp đồng xã hội triển khai từ tháng 6/2022 với các gói dịch vụ bao gồm: Cấp phát các vật phẩm giảm hại và chuyển gửi người có nhu cầu điều trị Methadone; xét nghiệm HIV tại cộng đồng và chuyển gửi người có phản ứng HIV đến cơ sở y tế xét nghiệm khẳng định; chuyển gửi người có kết quả khẳng định HIV dương tính vào cơ sở điều trị ARV; chuyển gửi người có kết quả xét nghiệm HIV âm tính và đủ điều kiện vào cơ sở điều trị PrEP. 

Qua thời gian triển khai thí điểm mô hình hợp đồng xã hội đã đạt được những kết quả như: Ca tiếp cận, đánh giá nguy cơ, xét nghiệm HIV âm tính đạt 92%; kết nối thành công điều trị PrEP đạt 100%; chuyển gửi làm xét nghiệm khẳng định và kết nối thành công điều trị ARV đạt 91,7 % so với chỉ tiêu.

Đánh giá cao vai trò hoạt động phòng chống HIV/AIDS của các tổ chức xã hội, các nhóm hoạt động dựa vào cộng đồng (CBOs), đại diện Sở Y tế Đồng Nai chia sẻ, các doanh nghiệp xã hội, tổ chức xã hội hoạt động vì cộng đồng, họ có lợi thế đi tiếp cận truyền thông, tư vấn cho những người có hành vi nguy cơ, cung cấp các dịch vụ như bơm kim tiêm, bao cao su, chất bôi trơn; đồng thời cũng có thể xét nghiệm sàng lọc HIV tại cộng đồng bằng test nhanh. Qua đó, giới thiệu khách hàng có nhu cầu tiếp cận các dịch vụ như người nhiễm HIV đến cơ sở điều trị ARV sớm, người chưa nhiễm dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc (PrEP) hay người nghiện chất dạng thuốc phiện đến cơ sở y tế điều trị methadone. 

Thực tế, hiện nay do vẫn còn tồn tại tình trạng phân biệt đối xử, kỳ thị đối với người nhiễm HIV, những người nguy cơ cao nhiễm HIV, do đó việc tiếp cận với những người này rất khó, vì họ e ngại bị phân biệt đối xử, kỳ thị. Để giải quyết vấn đề này thì các doanh nghiệp xã hội, tổ chức xã hội là một giải pháp tối ưu giúp họ được tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

Kết quả thực hiện thí điểm Hợp đồng xã hội tại Đồng Nai năm 2022 cho thấy, 6 chỉ tiêu đặt ra đã đạt từ 33 đến 100%. Trong đó, 2 chỉ tiêu là hỗ trợ tuân thủ điều trị 3 tháng cho khách hàng ARV mới, hỗ trợ tuân thủ điều trị 3 tháng cho khách hàng PrEP chỉ mới đạt 33%; 4 chỉ tiêu còn lại đạt từ 91,7% trở lên.

Một số khó khăn thách thức gặp phải trong quá trình thực hiện như: cần nhiều thời gian, nguồn lực, nhiều bên tham gia, nhân sự năng lực tuyến cơ sở còn hạn chế, chi phí tạo cầu còn thiếu..

Là đơn vị đầu tiên thực hiện thí điểm hợp đồng xã hội tại Đồng Nai, anh Trần Hưng - chủ Doanh nghiệp xã hội Hưng Vũ cho biết, đơn vị đã hoạt động trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS tại Đồng Nai được 4 năm, thời gian qua luôn được sự quan tâm hỗ trợ từ Sở Y tế, CDC Đồng Nai, Trung tâm nâng cao chất lượng cuộc sống (Life), dự án Epic.

Anh Trần Hưng chia sẻ, vì đây là loại hình dịch vụ mới lại là đơn vị đầu tiên của tỉnh thực hiện, nên những thủ tục về mặt giấy tờ phục vụ công tác thanh quyết toán vừa làm vừa phải học hỏi; nguồn kinh phí chưa có hỗ trợ công tác truyền thông, một số máy móc phục vụ công tác. Tuy nhiên, với sự thành công bước đầu trong thí điểm hợp đồng xã hội đã khích lệ anh Hưng cũng như là các doanh nghiệp xã hội, tổ chức hoạt động vì cộng đồng, không ngừng cố gắng để cùng chung tay hướng tới kết thúc dịch AIDS trên địa bàn tỉnh nói riêng, và cả nước nói chung.

Để giải mở rộng mô hình, cũng như giải quyết những khó khăn, thách thức, đại diện Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho rằng, muốn mở rộng mô hình thực hiện phòng chống HIV/AIDS, cần đưa ra các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện và hỗ trợ để các tổ chức xã hội có thể tham gia cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

Bên cạnh đó, bố trí nguồn lực và tạo môi trường pháp lý thuận lợi để các tổ chức xã hội ký hợp đồng và sử dụng nguồn vốn trong cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Bởi khi chưa có cơ chế hợp đồng chính thức, tính bền vững của các DNXH còn thấp, tư cách pháp nhân nhiều CBO chưa có, năng lực chuyên môn còn hạn chế.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai, lũy tích người nhiễm HIV tại Đồng Nai là 5.981 người. Trong 11 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh ghi nhận 596 người mắc mới HIV (trong đó có 228 người có hộ khẩu trong tỉnh), 16 trường hợp nhiễm HIV/AIDS tử vong, số ca mắc mới giảm 27,3% (22 ca) so với cùng kỳ 2021.

Hiện nay, toàn tỉnh đang điều trị tổ chức khám, điều trị bằng thuốc ARV hơn 5.100 bệnh nhân HIV/AIDS tại 9 cơ sở điều trị.