Tăng cường giải pháp tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn lực phòng chống HIV

Theo Tiengchuong.vn 08:10, 20/12/2022

Mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS với các tổ chức xã hội (Hợp đồng xã hội) được xác định là một trong năm giải pháp tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn lực trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Tổ chức CBO Kết nối trẻ thực hiện xét nghiệm cho người nguy cơ cao nhiễm HIV. Ảnh: Thùy Chi
Tổ chức CBO Kết nối trẻ thực hiện xét nghiệm cho người nguy cơ cao nhiễm HIV. Ảnh: Thùy Chi

Cơ hội để các tổ chức xã hội phát huy thế mạnh

Được sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật, hoạt động này đang được triển khai thí điểm tại 7 tỉnh: Nghệ An, Điện Biên, Đồng Nai, Tây Ninh, Tiền Giang, Hải Phòng, Bình Dương.

Đề án với mục tiêu chung là: Thí điểm mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS để cung cấp kinh nghiệm thực tiễn cũng như thông tin và bằng chứng phục vụ việc xây dựng cơ chế, chính sách mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS với các tổ chức xã hội từ nguồn ngân sách nhà nước.

Mục tiêu cụ thể là: Thí điểm cách thức thực hiện mua sắm một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS do các tổ chức xã hội cung cấp theo cơ chế quản lý ngân sách nhà nước thông qua hình thức đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp; đề xuất các khuyến nghị về chính sách và lộ trình cụ thể thực hiện việc sử dụng ngân sách nhà nước để mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS do các tổ chức xã hội tại Việt Nam cung cấp.

Là địa phương tiên phong triển khai thí điểm mô hình, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An khẳng định mô hình tại Nghệ An đang đi đúng hướng. Các tổ chức xã hội phát huy thế mạnh của mình trong việc tiếp cận, tìm ca và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An đã thu thập được kinh nghiệm quản lý, theo dõi, giám sát hợp đồng...

Hiện nay, tại Nghệ An các tổ chức xã hội đã đóng góp rất nhiều trong việc phát hiện các ca nhiễm mới, chiếm tới hơn 70% số ca dương tính mới phát hiện và điều trị tại tỉnh.

Tại Đồng Nai cũng đã bắt đầu thí điểm mô hình giai đoạn 2022-2024. Mới đây Đồng Nai vừa tổ chức hội thảo Giới thiệu mô hình thí điểm Hợp đồng xã hội giai đoạn 2022-2024 và chia sẻ bài học kinh nghiệm của một số tỉnh đã triển khai mô hình này năm 2022, với sự tham gia của đầy đủ đại diện các cơ quan ban ngành liên quan, Sở Y tế tỉnh, Trung tâm y tế quận huyện, và nhân sự các dự án chịu trách nhiệm cùng đại biểu của các tổ chức cộng đồng. 

Năm 2022, Đồng Nai chọn Doanh nghiệp Xã hội (DNXH) Hùng Vũ để triển khai Hợp đồng xã hội với 3 gói dịch vụ cơ bản: Gói 1: Xét nghiệm HIV tại cộng đồng và chuyển gửi người có kết quả xét nghiệm có phản ứng HIV đến cơ sở y tế xét nghiệm khẳng định; Gói 2: Kết nối và chuyển gửi người có kết quả khẳng định HIV dương tính vào cơ sở điều trị ARV; Gói 3: Kết nối và chuyển gửi người có kết quả xét nghiệm HIV âm tính và đủ điều kiện vào điều trị PrEP.

Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu triển khai thí điểm hợp đồng xã hội, DNXH Hùng Vũ – (tiền thân là CBO Full House) đã đạt được nhiều kết quả tích cực:  Tiếp cận, đánh giá nguy cơ, xét nghiệm HIV không có phản ứng (âm tính) 127 người (đạt 92%); Xét nghiệm HIV có phản ứng và chuyển gửi làm xét nghiệm khẳng định 12 ca (91,7%) và đã kết nối 100% thành công điều trị ARV; Kết nối thành công điều trị 30 ca PrEP; 

Kết quả bước đầu cho thấy các chỉ tiêu và hạng mục trong thỏa thuận hợp đồng thí điểm năm 2022 đều được hoàn thành một cách đầy đủ, đúng hạn và hiệu quả; tuy nhiên việc quyết toán hợp đồng còn chậm và phức tạp trong khi mức chi trả so với mặt bằng chung vẫn còn thấp và chưa hấp dẫn.

Đại diện DNXH cũng đã đề xuất các giải pháp cần đơn giản hóa các biểu mẫu báo cáo thanh quyết toán, triển khai cơ chế tạm ứng và cân nhắc mở rộng thêm hạng mục và xem lại cơ cấu giá dịch vụ cho hợp lý hơn. 

Triển khai kế hoạch giai đoạn từ tháng 01/2023 đến 30/9/2023, Đồng Nai duy trì 3 gói dịch vụ trên với các chỉ tiêu tiếp cận và điều trị lớn hơn. Đây là cơ sở để các tổ chức cộng đồng tìm hiểu, nắm bắt thông tin để chuẩn bị năng lực sẵn sàng tham gia hợp đồng xã hội trong thời gian tới.

Giải pháp để bảo đảm tài chính trong phòng, chống AIDS

Tại Điện Biên, Đề án thí điểm mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS do các tổ chức xã hội cung cấp giai đoạn 2022-2024 cũng đã được khởi động, ở 3 huyện trọng điểm về ma túy, HIV/AIDS, bao gồm: TP. Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên, huyện Mường Ảng.

Dự án thí điểm được tiến hành trong giai đoạn 2022-2023 với 2 mục tiêu cụ thể: đánh giá nhu cầu và xây dựng năng lực cần thiết cho các bên tham gia thí điểm tại tỉnh Điện Biên; thí điểm mua sắm gói dịch vụ giảm hại dự phòng lây nhiễm HIV và gói dịch vụ xét nghiệm HIV không chuyên do cộng đồng thực hiện bằng hình thức đặt hàng dịch vụ với tổ chức cộng đồng chưa có tư cách pháp nhân tại thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên và huyện Mường Ẳng. Đại diện Sở Y tế Điện Biên cho biết: Hiện nay, các tổ chức xã hội có thể tham gia vào hầu hết các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS với lợi thế cung cấp các dịch vụ trực tiếp. Tuy nhiên, kinh phí của phần lớn các hoạt động đều do tài trợ từ các tổ chức quốc tế, trong khi đó, các tổ chức quốc tế đang tiếp tục cắt giảm hỗ trợ tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Chính vì vậy, nguy cơ dịch HIV/AIDS quay trở lại là rất lớn, nhất là đối với các tỉnh nghèo, trong đó có tỉnh Điện Biên.

PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, công tác phòng/chống HIV/AIDS vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn về kinh phí. Nguyên nhân là do nhiều tổ chức quốc tế đã cắt giảm dần các nguồn tài trợ, nguồn lực của nhà nước còn hạn chế. Trong 5 năm gần đây, xu hướng lây nhiễm HIV đã có nhiều biến đổi nên rất cần sự vào cuộc của ngành y tế các tỉnh, thành.

Theo PGS.TS Phan Thị Thu Hương, trước đây, có thời kỳ Việt Nam phát hiện 30.000-32.000 ca nhiễm HIV/AIDS/năm thì hiện nay đã giảm xuống 10.000-12.000 ca/năm. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam phải chấm dứt được dịch AIDS. Như vậy chúng ta phải đạt được con số chỉ còn 1.000 ca/năm. Do đó, để đạt được con số này rất cần sự tham gia của các mô hình, các tổ chức xã hội.

PGS.TS Phan Thị Thu Hương cho rằng, các tổ chức xã hội có lợi thế trong cung cấp các dịch vụ trực tiếp, có thể linh hoạt mở ngoài giờ làm việc để những người có nguy cơ cao có thể tiếp cận được. Trước đây, các cơ sở này đa số được các tổ chức quốc tế tài trợ kinh phí. Nhưng khi các nguồn tài trợ này dần cắt giảm, phải làm sao để từ nguồn ngân sách địa phương, Trung ương, chúng ta có các tổ chức xã hội có đầy đủ căn cứ pháp lý để ký hợp đồng hoặc tham gia đặt hàng, đấu thầu mua sắm các dịch vụ này. Từ thực tế trên, sáng kiến mô hình mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS với các tổ chức xã hội (Hợp đồng xã hội) đã được Bộ Y tế thông qua và triển khai thí điểm hoạt động này tại 7 tỉnh có tiềm năng thực hiện.