Một trong những giải pháp ưu tiên cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2023-2030, đó là mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV, đẩy mạnh xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm, đồng thời tăng cường công tác nghiên cứu, định hướng ưu tiên các nghiên cứu khoa học trong phòng chống HIV.
Mục tiêu chung của Chiến lược Quốc gia Chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 là đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan AIDS. Ảnh: Thùy Chi |
Người nhiễm HIV có xu hướng trẻ hóa
Việt Nam đang trong giai đoạn dịch tập trung trong một số nhóm có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao, với ước tính tỉ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ mang thai duy trì ở mức thấp (<1%) và tỉ lệ hiện nhiễm HIV lớn hơn 5% trong nhóm nam nghiện chích ma túy và gần đây là nhóm MSM.
Xu hướng dịch HIV trong nhóm nghiện chích ma túy và nhóm phụ nữ bán dâm tương đối ổn định. Tuy nhiên, dịch HIV trong nhóm MSM có xu hướng tăng rõ rệt trong thời gian qua cũng như dự báo dịch HIV trong thời gian tới (tỉ lệ hiện nhiễm HIV tăng từ 7,4% năm 2016 lên đến 12,5% năm 2022).
Các nghiên cứu cũng cảnh báo nguy cơ lây lan dịch trong các nhóm quần thể mới như nhóm chuyển giới nữ (TGW), tỉ lệ nhiễm HIV của nhóm TGW tại Hà Nội 5,8% năm 2022 tại TPHCM tỉ lệ này là 6,8% năm 2004 tăng lên 18% năm 2016 và 16,5% năm 2020 và nhóm vợ, chồng, bạn tình, bạn chích của người nhiễm HIV/AIDS (chiếm 5,4% năm 2021 và tăng lên 11,2% năm 2022).
Hành vi tình dục không an toàn là lý do chính làm gia tăng các trường hợp nhiễm HIV trong thời gian qua, cũng như dự báo dịch HIV trong thời gian tới. Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn, chiếm 81,5% trong số trường hợp mới phát hiện nhiễm HIV năm 2022, đây cũng là đường lây chính trong những năm gần đây.
Theo số liệu giám sát phát hiện, trong số nhiễm HIV phát hiện trong năm, nhóm người dưới 30 tuổi chiếm khoảng 40% năm 2016, và 48,4% năm 2022; kết quả giám sát trọng điểm HIV, tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) dưới 25 tuổi có xu hướng tăng dần từ 2,4% năm 2012 lên 12,5% năm 2022.
Kết quả điều trị HIV/AIDS cho thấy tỉ lệ bệnh nhân điều trị ARV được làm xét lượng tải lượng virus và có kết quả tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế tăng từ 72,5% năm 2016 lên 98,0% năm 2022, giúp tuổi thọ người nhiễm HIV tăng lên. Trung bình tuổi của người nhiễm HIV đang còn sống là 39,9 tuổi (độ lệch chuẩn: 10,4 tuổi), tuổi của bệnh nhân đang điều trị ARV là 39,3 tuổi (độ lệch chuẩn: 10,3 tuổi).
Phân bố các trường hợp phát hiện nhiễm HIV hiện không đồng đều. Dịch HIV chủ yếu vẫn tập trung ở vùng Đông Nam Bộ, nhưng những năm gần đây tỉ lệ mới phát hiện nhiễm HIV ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long tăng nhanh từ 18,5% năm 2016 lên 37,5% năm 2022, TPHCM chiếm 28%).
Từ những phân tích trên cho thấy nhu cầu thông tin về xu hướng dịch HIV trong các nhóm quần thể khác nhau, đặc biệt là các nhóm mới được cảnh báo nguy cơ lây lan dịch HIV. Đặc điểm dịch tễ học HIV của các nhóm quần thể có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao và các nhóm có cảnh báo nguy cơ dịch. Do đó, cần thiết phải triển khai các nghiên cứu với quy mô lớn hơn, đại diện hơn.
Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030
Mục tiêu chung của Chiến lược Quốc gia Chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 là đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan AIDS, chấm dứt dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, Chiến lược Quốc gia Chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 nhằm mở rộng và đổi mới các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm hại và dự phòng lây nhiễm HIV, tỉ lệ người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV đạt 80% vào năm 2030; Mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV, đẩy mạnh xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm; tỉ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng HIV của mình đạt 95% vào năm 2030; giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến dịch HIV/AIDS ở các nhóm có hành vi nguy cơ cao.
Đồng thời, mở rộng, nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS, tỉ lệ người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình được điều trị thuốc kháng virus HIV đạt 95%; tỉ lệ người được điều trị thuốc kháng vi rút HIV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 95%; loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030; Củng cố và tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS các tuyến; bảo đảm nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; bảo đảm tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS.
Đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, nhiệm vụ và các nhóm giải pháp của Chiến lược được đề cập rất bao quát, từ nghiên cứu, xây dựng chính sách, huy động nguồn lực, huy động sự tham gia của người dân, cộng đồng, triển khai đồng bộ các giải pháp chuyên môn đến phối hợp liên ngành trong tổ chức triển khai thực hiện.
Với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược quốc gia đã đặt ra những yêu cầu cụ thể cho việc xây dựng định hướng nghiên cứu: Giúp đo lường các chỉ số trong kế hoạch theo dõi và đánh giá Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030; Cải thiện, hoàn thiện hệ thống chính sách về pháp luật có liên quan đến HIV/AIDS; Cải thiện, nâng cao, đổi mới chất lượng dịch vụ dự phòng, chăm sóc HIV/AIDS; Nâng cao hiệu quả huy động sự tham gia phòng, chống HIV/AIDS của cộng đồng, của tổ chức, quản lý công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Cần phát huy tối đa nguồn lực hiện có để huy động thêm nguồn lực
Để thực hiện thành công chiến lược chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục bảo đảm nguồn lực tài chính và chuyển giao bền vững chương trình. Nguồn lực huy động dự kiến giai đoạn 2021-2030 mới chỉ đáp ứng được 60-70% nhu cầu. Nguồn tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn phụ thuộc tới gần 50% vào các dự án quốc tế, nhất là các hoạt động thuộc lĩnh vực dự phòng lây nhiễm HIV hiện Quỹ Bảo hiểm y tế sẽ không chi trả.
Nội dung chi và định mức chi một số hoạt động đặc thù cho phòng, chống HIV/AIDS đã phân cấp cho ngân sách địa phương đảm nhiệm nhưng hiện nay nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong việc lập dự toán cũng như phê duyệt, mặt khác ngân sách địa phương đang chịu ảnh hưởng do tác động của dịch COVID và cạnh tranh trong phân bổ ngân sách địa phương giữa các chương trình y tế và an sinh xã hội khác.
Các khó khăn nói trên sẽ tác động lớn đến việc tổ chức, triển khai hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại các địa phương, do đó cần nghiên cứu để ngoài phát huy tối đa nguồn lực hiện có đề xuất giải pháp huy động thêm nguồn lực.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác nghiên cứu, định hướng ưu tiên các nghiên cứu khoa học về lĩnh vực dịch tễ học HIV, lĩnh vực can thiệp dự phòng, lĩnh vực Điều trị, chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV, lĩnh vực lãnh đạo và quản lý chương trình phòng, chống HIV/AIDS…
Cụ thể, về lĩnh vực dịch tễ học HIV. Tập trung nghiên cứu và theo dõi theo thời gian đặc điểm dịch tễ học nhiễm HIV, kích cỡ quần thể ở các nhóm quần thể có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao và nhóm đã được cảnh báo nguy cơ lây lan dịch HIV; Nghiên cứu về tỉ lệ đồng nhiễm Lao/HIV, HIV/STIs, HIV/Viêm gan trong nhóm quần thể có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao.
Nghiên cứu dịch tễ học phân tử HIV tại Việt Nam; xác định các cụm lây nhiễm phân tử HIV trên các bệnh nhân nhiễm mới HIV; xây ngân hàng mẫu trong đó tập trung thu thập, lưu giữ bảo quản các chủng HIV, chủng HIV kháng thuốc, mẫu có đồng nhiễm HIV- HBV-HCV; thiết lập ngân hàng trình tự gen HIV của Việt nam, phục vụ các nghiên cứu về dịch tễ học phân từ HIV, theo dõi sự biến đổi các chủng kháng thuốc HIV...
Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học HIV của một số nhóm đối tượng khác như học sinh, sinh viên, lao động tại các khu công nghiệp, đồng bào dân tộc, khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, ... để kịp thời cảnh báo dịch HIV.
Đối với lĩnh vực can thiệp dự phòng. Cần nghiên cứu hành vi tiếp cận, sử dụng dịch vụ, tự chi trả dịch vụ của từng nhóm quần thể có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV. Tìm hiểu các rào cản đối với việc tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV; Phân tích cấu trúc mạng xã hội của từng nhóm quần thể có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV và đánh giá ảnh hưởng của cấu trúc này trong lây truyền HIV trong thiết kế các chương trình can thiệp.
Nghiên cứu về kỳ thị và phân biệt đối xử trong các nhóm quần thể có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV, nhóm đã được cảnh báo nguy cơ lây lan dịch HIV và các nhóm đối tượng khác.
Đánh giá vai trò của các yếu tố cấu trúc, bao gồm các yếu tố tương tác, xã hội, kinh tế, chính trị có thể có làm giảm lây nhiễm HIV; nghiên cứu triển khai các mô hình dự phòng lây nhiễm mới, đánh giá và nhân rộng các mô hình hiệu quả.
Đối với lĩnh vực điều trị, chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV. Cần nghiên cứu về các rào cản tiếp cận, tham gia, duy trì và tuân thủ điều trị đối với điều trị HIV/AIDS, điều trị dự phòng trước/sau phơi nhiễm HIV của bệnh nhân HIV và người có hành vi nguy cơ cao. Nghiên cứu về tỉ lệ kháng ARV, ngưỡng kháng thuốc, chỉ số cảnh báo kháng thuốc sớm, kháng thuốc mắc phải và lây truyền ở trẻ em, người đồng nhiễm, người điều trị ARV trên 5 năm…
Về lĩnh vực lãnh đạo và quản lý chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Cần thực hiện nghiên cứu đánh giá hiệu quả các mô hình đặc biệt là mô hình lồng ghép, kết nối các dịch vụ để tiết kiệm nguồn lực và tối đa hóa hiệu quả (từ dịch vụ xét nghiệm, chuyển tuyến điều trị, theo dõi điều trị ARV, methadone, chăm sóc tại nhà và cộng đồng), lồng ghép điều trị HIV và các dịch vụ điều trị khác (Lao/ STIs/ Viêm gan...).
Nghiên cứu đánh giá về chi tiêu cho chương trình HIV/AIDS hằng năm, đánh giá chi phí hiệu quả để xác định các dịch vụ cốt lõi, phù hợp, phục vụ mục tiêu phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam.
Nghiên cứu về sự tham gia của cộng đồng trong những can thiệp về HIV/AIDS, mô hình xã hội hóa các dịch vụ, phân tích thị trường và khảo sát nhu cầu và khả chi trả về dịch vụ HIV/AIDS.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu phân tích chính sách để có thể phát hiện các khoảng trống, hoặc không còn phù hợp của chính sách, đề xuất sửa đổi, bổ sung bảo đảm tính đồng bộ, khả thi, hiệu quả trong triển khai thực hiện và huy động được nguồn lực cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin