Bệnh nhiễm trùng đường hô hấp là nhóm bệnh mà tác nhân gây bệnh là vi sinh vật, lây truyền qua những giọt bắn chứa vi khuẩn, virus khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc bám trên các bề mặt tiếp xúc. Đối với người nhiễm HIV khi không tuân thủ điều trị sẽ làm tăng nguy cơ mắc các nhiễm trùng hô hấp...
Khám sức khỏe cho bệnh nhân HIV. Ảnh: Thùy Chi |
Các triệu chứng hô hấp phổ biến nhất ở người nhiễm HIV là khó thở và ho. Cơn ho có thể ho khan hoặc có đờm.
Nhiễm trùng hô hấp thông thường
Nhiễm trùng xoang (viêm xoang), viêm phế quản… là các nhiễm trùng hô hấp rất thường gặp và thường nghiêm trọng hơn ở những người có hệ miễn dịch yếu hơn do HIV. Các bác sĩ thường điều trị các nhiễm trùng này bằng kháng sinh, nhưng chúng có thể khó chữa hơn nếu khả năng phòng vệ của cơ thể không đủ mạnh.
Viêm xoang thường bắt đầu giống như cảm lạnh, kèm theo chảy nước mũi, nghẹt mũi làm người bệnh khó thở. Nước muối nhỏ mũi và chườm ấm có thể giúp giảm nghẹt mũi, nhưng nếu tình trạng nhiễm trùng kéo dài hơn 1 hoặc 2 tuần, hãy đi khám.
Viêm phế quản xảy ra khi các ống mang oxy từ khí quản đến phổi bị viêm. Điều này có thể gây ho, khó thở và có nhiều chất nhầy. Nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản sẽ cao hơn nhiều nếu bạn hút thuốc. Nói chuyện với bác sĩ về cách bỏ thuốc lá.
Các nhiễm trùng cơ hội
Nhiễm trùng cơ hội là bệnh nhiễm trùng nặng thường xảy ra ở những người có hệ miễn dịch yếu. Liệu pháp kháng virus (ART) giúp làm giảm lượng HIV trong cơ thể và giữ cho hệ thống miễn dịch mạnh mẽ hơn. Do đó, các nhiễm trùng cơ hội hiện nay ít phổ biến hơn so với trước đây.
Tuy nhiên, người nhiễm HIV vẫn có thể mắc phải các nhiễm trùng cơ hội, đặc biệt nếu không điều trị ART, không dùng thuốc thường xuyên hoặc thuốc không có tác dụng tốt với bạn.
Nhiều nhiễm trùng cơ hội có thể tấn công phổi như:
Bệnh cryptococcosis: Bạn có thể tìm thấy hai loại nấm gây nhiễm trùng này ở khắp mọi nơi trong tự nhiên. Hầu hết những người hít phải bào tử không bao giờ bị bệnh, nhưng khi hệ thống miễn dịch yếu, bệnh cryptococcosis có thể làm hỏng phổi.
Bệnh Histoplasmosis: Nhiễm trùng phổi này do một loại nấm có trong phân chim và dơi. Các triệu chứng có thể nhẹ hoặc nghiêm trọng như có thể gây biến chứng ARDS (Hội chứng suy hô hấp cấp tính), đe dọa tính mạng.
Nhiễm khuẩn bội nhiễm Mycobacteria avium (MAC): Đây là một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng do vi khuẩn. Bạn có thể tìm thấy vi khuẩn gây bệnh trong đất, thức ăn, bụi và nước. Hầu hết mọi người đều có vi khuẩn này trong cơ thể và không bị bệnh. Khi khả năng phòng vệ của cơ thể không mạnh, nó có thể ảnh hưởng đến phổi, hệ tiêu hóa và có thể lây lan khắp cơ thể. Thuốc kháng sinh thường được sử dụng trong điều trị.
Viêm phổi: Đây là tình trạng nhiễm trùng ở một hoặc cả hai lá phổi. Các triệu chứng bao gồm ho, sốt và khó thở. Streptococcus pneumoniae là nguyên nhân phổ biến gây viêm phổi ở người nhiễm HIV. Hãy trao đổi với bác sĩ về vaccine để ngăn ngừa bệnh này.
Viêm phổi do Pneumocystis: Một bệnh nhiễm trùng do một loại nấm có tên là Pneumocystis jirovecii gây ra , lây lan qua phổi. Những người khỏe mạnh có thể có loại nấm này trong phổi mà không hề biết. Những người có hệ thống miễn dịch yếu hơn có thể mắc bệnh và gặp các triệu chứng như sốt, ho, khó thở, đau ngực và ớn lạnh…
Bệnh lao (TB): Bệnh nhiễm trùng phổi này lây lan qua không khí khi người mắc bệnh lao ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Nó phổ biến ở những người nhiễm HIV tiến triển hoặc không được điều trị. Bệnh lao gây ho, sụt cân, mệt mỏi và đổ mồ hôi ban đêm…
Phương pháp phòng ngừa nhiễm khuẩn đường hô hấp
Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh
Nếu xung quanh bạn là những người đang mắc những bệnh về đường hô hấp thì bạn nên hạn chế tiếp xúc với họ. Giống như COVID-19, thông điệp 5K đã được nước ta áp dụng với khuyến cáo để tránh lây nhiễm virus, mỗi người nên giữ khoảng cách với bệnh nhân hoặc người nghi nhiễm, mang khẩu trang mỗi khi ra ngoài sẽ giúp hạn chế được nguy cơ mắc bệnh. Nhất là trẻ em, người già và người có hệ miễn dịch yếu không nên đến nơi đông người khi đang trong thời kỳ nhiều dịch bệnh chồng chéo nhau.
Thường xuyên rửa tay
Một trong những cách hiệu quả giúp phòng ngừa nhiễm khuẩn đường hô hấp đó là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn. Điều này có tác dụng tiêu diệt các loại virus, vi khuẩn trên da và hạn chế nguy cơ lây nhiễm.
Uống đủ nước
Nước giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất của cơ thể, giảm nguy cơ mắc bệnh, tăng cường sức đề kháng và làm loãng dịch đờm. Đây là cách đơn giản nhưng lại hiệu quả trong việc phòng ngừa nhiễm khuẩn đường hô hấp.
Sử dụng dung dịch khử trùng để vệ sinh nhà cửa
Để phòng ngừa nhiễm khuẩn đường hô hấp, nếu trong gia đình bạn có người bị mắc bệnh thì cần phải dùng dung dịch khử khuẩn khi vệ sinh nhà cửa, dọn dẹp nơi ở thường xuyên, làm sạch các bề mặt khu sinh hoạt như nhà tắm, phòng ngủ, nhà bếp,... Không chỉ có vậy, bạn nên giặt giũ chăn ga, gối đệm, khăn tắm và rửa đồ chơi trẻ em định kỳ 2 - 3 lần/tuần để tiêu diệt các vi khuẩn, virus gây bệnh.
Ngủ đủ giấc
Mỗi ngày bạn nên duy trì giấc ngủ đầy đủ từ 7 - 9 tiếng giúp cơ thể được tái tạo năng lượng và luôn giữ được trạng thái tỉnh táo. Theo các chuyên gia y tế, giấc ngủ giữ vai trò quan trọng đối với sức đề kháng của cơ thể. Ngủ sớm vào buổi tối và ngủ đủ giấc sẽ giúp các tế bào trong cơ thể hoạt động tốt hơn.
Tuân thủ lịch tiêm phòng đầy đủ
Tiêm phòng chủng ngừa các bệnh lý về đường hô hấp, điển hình như COVID-19, bệnh cúm mùa, lao phổi,... đúng lịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế sẽ giúp bạn hạn chế được tối đa nguy cơ mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp. Ngay cả khi có bị mắc bệnh thì triệu chứng cũng sẽ nhẹ hơn rất nhiều và hạn chế được các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.
Cách phòng tránh nhiễm trùng cơ hội ở người nhiễm HIV
Cách tốt nhất để tránh nhiễm trùng cơ hội là uống thuốc điều trị HIV mỗi ngày. Một chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên có thể giúp giữ cho hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, có thể và ngăn ngừa mọi bệnh tật. Trao đổi với bác sĩ để biết lời khuyên về kế hoạch tập thể dục và ăn uống phù hợp nhất với bạn.
Hiện nay, Y học đã tìm ra rất nhiều loại thuốc để điều trị các bệnh lý nhiễm trùng cơ hội liên quan đến HIV, bao gồm cả thuốc kháng virus, kháng sinh và thuốc chống nấm. Loại thuốc có chỉ định sử dụng sẽ phụ thuộc vào loại nhiễm trùng cơ hội cũng như tình trạng đang nhiễm HIV kiểm soát ổn hay đang diễn tiến.
Bên cạnh đó, khi một trường hợp nhiễm trùng cơ hội đã được điều trị thành công, người có thể tiếp tục sử dụng thuốc kháng HIV như ban đầu hay cần phải điều chỉnh phác đồ chống HIV khác hay bổ sung thêm các loại thuốc để ngăn ngừa nhiễm trùng cơ hội tái phát. Bởi lẽ một lần mắc phải nhiễm trùng cơ hội là một lần thúc đẩy tình trạng HIV tiến triển, gây tổn thương, rối loạn chức năng các cơ quan nặng nề, đôi khi khó kiểm soát sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.
Như vậy, nhiễm trùng cơ hội là nhiễm trùng xảy ra thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn ở những người có hệ miễn dịch yếu, bao gồm cả người nhiễm HIV. Vì đây là một trong những điều kiện xác định AIDS, việc tuân thủ nghiêm ngặt điều trị với các thuốc kháng virus, làm chậm diễn tiến HIV là vô cùng quan trọng. Điều này vừa giảm nguy cơ mắc nhiễm trùng cơ hội, vừa giúp người nhiễm HIV tự tin có cuộc sống gần như người bình thường.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin