Giải pháp quan trọng góp phần giảm tỉ lệ trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ

Theo Tiengchuong.vn 15:50, 01/11/2023

Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giảm đáng kể tỉ lệ trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cũng là phương pháp tiết kiệm chi phí nhất và là một trong những phương pháp phù hợp nhất để tiếp cận thuốc kháng virus ARV.

Tư vấn dự phòng lây truyền các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục cho pụ nữ mang thai. Ảnh: Thùy Chi
Tư vấn dự phòng lây truyền các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục cho pụ nữ mang thai. Ảnh: Thùy Chi

Cơ chế lây truyền HIV từ mẹ sang con

Dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy trẻ sơ sinh nhiễm HIV chủ yếu là do lây truyền HIV từ mẹ. Nếu không có bất kỳ hình thức điều trị hoặc chăm sóc nào, khả năng người phụ nữ nhiễm HIV truyền bệnh sang con là rất lớn. Tuy nhiên, hiện việc được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả thì tỉ lệ lây truyền từ mẹ sang con chỉ còn giảm đi rất nhiều, thậm chí là 0%.

Việc lây truyền virus có thể được ngăn chặn gần như hoàn toàn nếu cả mẹ và con đều được cung cấp thuốc kháng virus (ARV) càng sớm càng tốt trong thời kỳ mang thai và trong thời gian cho con bú.

HIV được tìm thấy trong chất dịch cơ thể của người bị nhiễm bệnh, như tinh dịch, máu, dịch âm đạo và sữa mẹ. ThS. Lương Quốc Bình, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết, cơ chế lây truyền HIV từ mẹ sang con diễn ra thông qua ba con đường chính.

Thứ nhất, lây truyền trong thai kỳ: Một trong những cách phổ biến nhất là khi virus HIV trong máu của phụ nữ mang thai chuyển sang máu của thai nhi thông qua dây rốn. Trong trường hợp này, virus HIV có thể đi từ máu mẹ qua máu thai nhi, gây nhiễm trùng HIV trong thai kỳ.

Thứ hai, lây truyền trong quá trình sinh: HIV cũng có thể lây truyền từ mẹ sang con trong quá trình sinh. Điều này xảy ra khi có sự tiếp xúc giữa máu hoặc dịch âm đạo nhiễm HIV của mẹ và các vết thương hoặc niêm mạc của thai nhi trong quá trình sinh. Dịch âm đạo nhiễm HIV có thể được tiếp xúc với màng nhầy của mắt, mũi, miệng hoặc vùng da mỏng của thai nhi.

Thứ ba, lây truyền qua việc cho con bú: Nếu mẹ nhiễm HIV cho con bú và không được điều trị hoặc không tuân thủ thuốc ARV, virus HIV có thể lây truyền qua sữa mẹ. Tuy nhiên, việc sử dụng ARV và/hoặc sữa công thức có thể giảm nguy cơ lây truyền này.

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ lây truyền HIV, bao gồm tải lượng virus HIV cao, số lượng tế bào CD4 thấp, bệnh lao, nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục hoặc viêm âm đạo do vi khuẩn không được điều trị trong quá trình mang thai, sử dụng chất kích thích, đặc biệt là dạng tiêm trong thời kỳ mang thai...

Phụ nữ nhiễm HIV khi mang thai hoặc cho con bú có nguy cơ lây truyền virus cao hơn vì tải lượng virus rất cao ngay sau khi nhiễm bệnh. Những bà mẹ có tải lượng virus không thể phát hiện được có thể được khuyến nghị sinh con qua đường âm đạo. Đối với những phụ nữ có tải lượng virus cao (ví dụ trên 1000), sinh mổ sẽ làm giảm nguy cơ lây truyền HIV.

Trẻ bị nhiễm HIV từ mẹ sẽ mang theo căn bệnh này suốt đời và đối diện với nguy cơ cao phát triển thành AIDS. Do đó dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con sẽ giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ bằng cách giảm nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ. Điều này mang lại cơ hội cho trẻ em được sống khỏe mạnh và phát triển bình thường.

Vì vậy, để chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai cần chủ động thăm khám, xét nghiệm HIV. Nếu phát hiện bệnh, cần được điều trị theo phác đồ sớm để bảo đảm hiệu quả tối ưu trong việc giảm tỉ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.

Để bảo đảm cho con sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh

TS.BS Đỗ Thị Nhàn, Trưởng phòng điều trị HIV/AIDS, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, để quản lý tốt, bảo đảm một phụ nữ nhiễm HIV mang thai sinh ra con hoàn toàn khỏe mạnh thì người con sinh ra phải được bảo đảm nhận được tất cả mọi dịch vụ lây truyền từ mẹ sang con.

Hiện nay việc quản lý ca bệnh ở hầu hết các tỉnh thành đều được các Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh/thành phố, các cơ sở y tế quản lý rất tốt các thai phụ này. Vì khi phát hiện ca bệnh HIV là phụ nữ mang thai, các cơ sở y tế đều quản lý rất sát thai phụ. Nhưng vẫn cần sự kết nối giữa bệnh nhân và các cơ sở y tế để duy trì liên tiếp các hành vi an toàn, điều trị đúng hướng dẫn thuốc ARV để giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Theo TS.BS Đỗ Thị Nhàn, để quản lý tốt việc giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con, một số vấn đề những người làm công tác phòng chống HIV cần lưu ý. Đó là, chú trọng tư vấn và hỗ trợ tâm lý cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV: Phụ nữ mang thai nhiễm HIV thường phải đối mặt với nhiều khó khăn và lo lắng. Việc tư vấn và hỗ trợ tâm lý giúp phụ nữ mang thai nhiễm HIV có thể vượt qua những khó khăn này và đảm bảo sức khỏe cho bản thân và thai nhi.

Tạo điều kiện cho trẻ sơ sinh sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe: Trẻ sơ sinh sinh ra từ mẹ nhiễm HIV cần được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao để phát triển khỏe mạnh và bình thường.

Tuyên truyền và giáo dục cộng đồng về HIV/AIDS: Tuyên truyền và giáo dục cộng đồng về HIV/AIDS giúp nâng cao nhận thức của người dân về HIV/AIDS và các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm HIV.

Các biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con mà phụ nữ mang thai cần biết: Nếu người phụ nữ đã được chẩn đoán nhiễm HIV thì phải chủ động được thời điểm mang thai: Đó là khi cơ thể có sức đề kháng, chuẩn bị đầy đủ điều kiện chăm sóc tốt nhất, có tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện thì mới mang thai, sẽ giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm HIV sang cho con trong giai đoạn mang thai.

Xét nghiệm HIV cho phụ nữ có thai: Xét nghiệm HIV sớm và điều trị dự phòng cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV là biện pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Điều trị bằng thuốc kháng virus cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV: Điều trị bằng thuốc kháng virus giúp giảm tải lượng virus HIV trong máu của mẹ, từ đó giảm nguy cơ lây truyền HIV sang con trong lúc mang thai và khi sinh con.

Sau khi sinh, việc điều trị thích hợp cho bà mẹ nhiễm HIV và con của họ sau sinh là việc làm rất cần thiết. Bên cạnh đó, cho con bú sữa công thức có thể giúp giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con qua sữa mẹ.

Với những biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con từ các tỉnh, các địa phương, kể cả ở khu vực vùng sâu, vùng xa cũng được tiếp cận các dịch vụ xét nghiệm, Việt Nam đã đạt được những kết quả rất tích cực và đang tiến gần đến mục tiêu hoàn thành trước hạn loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030.