Một sự kiện rất được dư luận quan tâm thời gian qua là việc bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc Công ty CP Ðại Nam) bị cơ quan Công an T.P Hồ Chí Minh khởi tố, bắt tạm giam về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Điều này một lần nữa cảnh báo các tổ chức, cá nhân, nhất là những người được cho là có ảnh hưởng trong xã hội cần cẩn trọng trọng với những phát ngôn trên mạng xã hội, trên cơ sở thượng tôn pháp luật.
Theo hồ sơ của cơ quan Công an, trong một thời gian dài, đối tượng Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng mạng xã hội tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp để chia sẻ nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác; sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân và tổ chức. Điều này không chỉ gây bức xúc dư luận mà còn trực tiếp gây mất an ninh trật tự xã hội.
Bà Nguyễn Phương Hằng là người “nổi tiếng”, với hàng trăm nghìn người theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội. Nhiều sự kiện “livestream” của đối tượng như việc bóc phốt “thần y” Võ Hoàng Yên, những khuất tất trong hoạt động từ thiện hay hành xử phản cảm của nghệ sĩ trên mạng xã hội đã thu hút hàng trăm nghìn người theo dõi và bình luận. Tuy nhiên, việc ảo tưởng quyền lực mạng để vượt qua những chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật, tự coi mình là “quan toà” mạng đã khiến bà Hằng vướng vào vòng lao lý.
Hiện nay, mạng xã hội đã và đang trở thành một trong những kênh giao tiếp, công cụ truyền thông, giải trí phổ biến. Theo thống kê, cả nước có hơn 70 triệu người sử dụng mạng xã hội, thời gian sử dụng trung bình trong một ngày là của mỗi người là hơn 2 giờ. Bên cạnh những tiện ích vượt trội, mạng xã hội cũng là “con dao hai lưỡi”, nơi lan truyền nhiều thông tin tiêu cực, sai lệch; hành vi ứng xử thiếu văn hóa, thậm chí là vi phạm pháp luật. Nhiều người sử dụng mạng xã hội để thực hiện những mục đích xấu, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhiều cá nhân, tổ chức, gây bức xúc cho xã hội.
Việc lạm dụng mạng xã hội lại càng nguy hiểm đối với những người của công chúng. Bởi thông tin do người nổi tiếng phát ngôn được phổ biến rộng, lan truyền nhanh và dễ trở thành chủ đề gây tranh cãi. Thời gian qua, nhiều phát ngôn tiêu cực, thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội đã vô tình khiến nhiều người, nhất là giới trẻ hùa theo “thần tượng”, cổ súy cho thói quen dùng ngôn ngữ thô tục, coi thường các quy định pháp luật. Từ suy nghĩ dẫn đến hành động, hành động tạo ra thói quen, thói quen buông tuồng, tục tĩu sẽ tạo ra những công dân có nhân cách méo mó, dễ sa đọa và thỏa hiệp với cái xấu.
Vụ việc của đối tượng Nguyễn Phương Hằng và một số trường hợp khác là bài học về việc cần trọng phát ngôn trên mạng xã hội. Mọi hành vi lệch lạc, vi phạm pháp luật gậy tác động tiêu cực trong xã hội đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.