Xung quanh việc sáp nhập muộn của tổ dân phố Mỹ Sơn

10:44, 18/12/2021

Theo kế hoạch, tổ dân phố (TDP) Mỹ Sơn, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) phải thực hiện sáp nhập từ năm 2019, nhưng do “nhập nhằng” trong công tác quản lý hộ khẩu nên chính quyền địa phương đã bỏ sót TDP này. Phải đến giữa năm 2021, sau khi phát hiện sự việc thì TDP Mỹ Sơn mới được bổ sung để sáp nhập, tuy vậy vẫn còn một số hệ lụy cần giải quyết. 

Ông Phạm Văn Tuyết, Tổ trưởng TDP Mỹ Sơn cho biết: Năm 2019, Mỹ Sơn chỉ có 87 hộ dân, theo quy định (dưới 100 hộ) thì TDP thuộc diện phải sáp nhập. Để không phải sáp nhập, Ban công tác Mặt trận TDP Mỹ Sơn đã họp và thống nhất phương án đề nghị 15 hộ dân (đủ điều kiện tách hộ) lập danh sách, nộp sổ hộ khẩu xin được tách hộ. Tôi đã đại diện TDP tổng hợp, lập danh sách của 15 hộ dân và nộp cho đồng chí Nguyễn Văn Huy, Phó Công an thị trấn thời điểm đó. Tuy nhiên, đồng chí Huy chỉ nhập danh sách lên máy tính, vì hết sổ hộ khẩu nên hẹn chúng tôi dịp khác. Sau nhiều lần tôi đề nghị thì anh Huy vẫn trả lời chưa có sổ nên các hộ dân đã tự lên lấy lại sổ hộ khẩu và chưa được tách khẩu.

Mặc dù trên thực tế, các hộ dân nói trên chưa thực hiện tách sổ hộ khẩu, thế nhưng trong bảng thống kê số liệu về hộ gia đình thường trú, nhân khẩu thường trú, diện tích tự nhiên của các TDP trên địa bàn do UBND thị trấn Hương Sơn lập năm 2019, TDP Mỹ Sơn lại có 101 hộ. Chỉ đến năm 2021, khi địa phương tiến hành làm thẻ căn cước công dân dựa trên sổ hộ khẩu, lúc này, thị trấn mới phát hiện TDP Mỹ Sơn có dưới 100 hộ dân nên phải thực hiện sáp nhập.

Việc chênh lệch giữa số hộ trên giấy tờ so với thực tế đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Cụ thể như: Thực hiện chỉ tiêu thu các loại quỹ năm 2020 do UBND thị trấn giao, TDP Mỹ Sơn phải nộp theo mức 3.360.000 đồng/101 hộ dân. Nhưng trên thực tế, TDP chỉ có 87 hộ có sổ hộ khẩu. Như vậy các hộ dân này đang phải “gánh” phí cho các hộ “ảo”.

Bảng thống kê số liệu về hộ, nhân khẩu thường trú, diện tích tự nhiên của các TDP trên địa bàn thị trấn Hương Sơn do UBND thị trấn Hương Sơn lập năm 2019 ghi TDP Mỹ Sơn có 101 hộ dân.

Ngoài ra, chính sự nhập nhằng về số hộ trong thời gian qua khiến người dân TDP Mỹ Sơn tin tưởng tổ đã đủ điều kiện để không phải sáp nhập. Vì thế, người dân đã cùng đóng góp xây mới nhà văn hóa mới vào cuối năm 2020. Đến tháng 5-2021, nhà văn hóa hoàn thành và đưa vào sử dụng thì người dân lại nhận được thông tin về chủ trương sáp nhập với 2 TDP khác. Ngày 19/9/2021, khi thị trấn Hương Sơn tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cử tri về Đề án sắp xếp, sáp nhập TDP Mỹ Sơn (viết tắt là Đề án), với đại diện của 63 hộ dân tham gia họp thì 100% người dân không đồng ý. Nội dung này đã được ghi trong sổ nghị quyết của TDP Mỹ Sơn.

Tuy nhiên, tại biên bản Hội nghị lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình về Đề án mà UBND thị trấn Hương Sơn gửi lên Phòng Nội vụ huyện Phú Bình có một số thông tin không trùng khớp với biên bản ghi trong sổ nghị quyết của TDP Mỹ Sơn. Cụ thể, 2 biên bản ghi khác ngày họp (ngày 19 và 20); khác tên của thư ký, chủ tọa Hội nghị. Giải thích về sự khác biệt trên, ông Dương Thế Hưng, Chủ tịch UBND thị trấn Hương Sơn nói: Tôi không tham dự tại Hội nghị lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình của TDP Mỹ Sơn mà chỉ ký xác nhận biên bản sau khi kết thúc.

Tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 mới đây, các đại biểu đã biểu quyết đã thông qua Nghị quyết số 206/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 về việc sáp nhập, giải thể, đổi tên xóm, TDP trên địa bàn tỉnh (trong đó, TDP Mỹ Sơn sáp nhập với TDP Nguyễn 1 và Nguyễn 2 thành TDP Nguyễn Sơn). Việc thông qua Nghị quyết này là đúng bởi thực tế TDP Mỹ Sơn chỉ có 83 hộ dân, do vậy, người dân cần hiểu và chấp hành.

Theo các ý kiến dư luận xã hội, trong quá trình triển khai thực hiện công tác sáp nhập tại cơ sở để xảy ra sai sót thì cần phải làm rõ trách nhiệm để xử lý. Cùng với đó, địa phương cần rà soát số tiền thu quỹ chênh lệch để trả lại cho người dân và có phương án sử dụng nhà văn hóa Mỹ Sơn hợp lý sau sáp nhập.