Tiếp tục tuyên chiến với thực phẩm bẩn

15:33, 27/03/2022

Thực phẩm bẩn được hiểu là các loại thực phẩm ôi thiu được “phù phép” trở thành thực phẩm tươi mới sau khi có sự can thiệp của hóa chất độc hại; là các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, làm nhái, làm giả, kém chất lượng, chế biến trong môi trường không đảm bảo vệ sinh, tồn dư chất bảo quản, tăng trọng, đột biến quá quy định cho phép… Thực tế hiện nay cho thấy, thực phẩm bẩn vẫn hàng ngày len lỏi vào bữa ăn của người dân thông qua các chợ đầu mối, chợ cóc, chợ tạm, làng nghề thực phẩm. Điều đáng nói là thực phẩm bẩn không dễ phát hiện bởi các đối tượng chế biến, kinh doanh ngày càng tinh vi, nhiều khi được trộn lẫn với thực phẩm sạch, đánh lừa người tiêu dùng.

Tại Thái Nguyên, công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đã được các cấp, các ngành quan tâm, quyết liệt vào cuộc, từ đó kịp thời ngăn chặn và xử lý nhiều hành vi vi phạm. Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm từng bước được nâng cao, tự giác chấp hành các quy định của Nhà nước trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Người tiêu dùng đã biết lựa chọn thực phẩm an toàn, nói không với các loại thực phẩm bẩn. Vì vậy, mấy năm gần đây, nhất là từ năm 2021 đến nay không có vụ ngộ độc thực phẩm đông người nào xảy ra trên địa bàn tỉnh. Tuy vậy, tình trạng thực phẩm bẩn vẫn tồn tại chưa thể giải quyết một cách triệt để.

Đánh giá thực tế cho thấy, tỉnh Thái Nguyên có nhiều khu công nghiệp, nhiều trường học bán trú, nội trú, bếp ăn tập thể, nên yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm luôn phải đặt lên hàng đầu. Đặc biệt, dự báo thời gian tới các loại dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, trong đó có dịch tả lợn Châu Phi, dịch COVID-19 gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Trong bối cảnh đó, cần phải tiếp tục tuyên chiến mạnh mẽ hơn với vấn nạn thực phẩm bẩn.

Được biết, hiện nay chính quyền Thái Nguyên từ tỉnh đến cơ sở đang tập trung  cao độ cho công tác quản lý an toàn thực phẩm đối với các làng nghề thực phẩm, chợ thực phẩm, chợ đầu mối nông sản thực phẩm. Trong đó, một mặt tăng cường thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, mặt khác thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, duy trì các chuỗi sản xuất, kinh doanh thực phẩm, chợ đầu mối nông sản an toàn. Tỉnh cũng chỉ đạo các cấp, ngành siết chặt hơn nữa quản lý thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi; kiểm tra hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ; kiểm soát nguồn gốc, chất lượng an toàn thực phẩm đối với hoạt động kinh doanh, bán hàng thực phẩm, trong đó có thực phẩm chức năng, thực phẩm được bán qua mạng hoặc bán trôi nổi trên thị trường. Tỉnh chú trọng hoạt động kiểm tra, đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn khi cung cấp suất ăn cho các nhà máy, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trường học trên địa bàn…

Để tiếp tục tuyên chiến mạnh mẽ với thực phẩm bẩn, chính quyền các cấp trong tỉnh đã nâng cấp độ chỉ đạo lên một bước, theo hướng quyết liệt, nghiêm minh, sẵn sàng xử lý trách nhiệm hình sự đối với các vụ việc, tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng về vệ sinh an toàn thực phẩm.