Cách đây không lâu, nhận được thông tin qua đường dây nóng, phóng viên Báo Thái Nguyên đã xác minh và có bài viết “Sớm xử lý công trình vi phạm tại xã Thịnh Đức” (TP. Thái Nguyên). Sau đó, chính quyền địa phương đã vào cuộc, phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh, TP. Thái Nguyên yêu cầu hộ dân tháo dỡ công trình vi phạm. Mặc dù vậy, nhiều người dân cho rằng vẫn còn những sai phạm khác trên diện tích đất có công trình vừa tháo dỡ, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp, ngành chức năng.
Xã Thịnh Đức đã yêu cầu tháo dỡ các công trình vi phạm, trả lại hiện trạng mương thủy lợi, nhưng đến nay các hộ dân vẫn chưa thực hiện. |
Công trình vi phạm mà chúng tôi nói tới là nhà tạm của gia đình ông Ngô Ngọc Cảnh, ở xóm Tân Đức, xã Thịnh Đức. Ông Cảnh đã xây dựng nhà tạm trùm lên hệ thống mương thoát nước của tuyến đường tỉnh 267 (ĐT.267, do Sở Giao thông Vận tải quản lý) để chứa vật liệu xây dựng.
Ngoài ngôi nhà tạm, ông Cảnh còn xây dựng một số công trình khác (như sân, chuồng gà, đào ao...), bao quanh là tường rào. Các công trình này được xây dựng trên nhiều thửa đất khác nhau (gồm các thửa đất số 28, 30, 31, tờ bản đồ số 3), với nhiều loại đất khác nhau.
Nguồn gốc các thửa đất này một phần là của gia đình ông Cảnh, các phần còn lại do ông tự đổi và thỏa thuận bằng miệng với một số hộ xung quanh.
Do ngôi nhà tạm trùm lên hệ thống mương thoát nước nên để không cản trở dòng nước tiêu thoát, ông Cảnh đã nắn dòng, xây dựng cống hộp kỹ thuật, đặt cống bê tông cốt thép dẫn nước từ đường xuống phía sau thửa đất của gia đình.
Trước phản ánh của Báo Thái Nguyên, chính quyền xã Thịnh Đức đã phối hợp với một số phòng, ban, đơn vị của TP. Thái Nguyên và Sở Giao thông Vận tải yêu cầu gia đình ông Cảnh tháo dỡ công trình vi phạm.
Tuy nhiên, theo một số người dân: Trên thực tế, không chỉ nhà tạm mà một số công trình ông Cảnh xây dựng trên các thửa đất này (như chuồng gà, tường rào, ao...) đều vi phạm. Bởi nguồn gốc của hầu hết các thửa đất là đất trồng lúa và trồng cây hàng năm.
Ngoài ra, người dân kiến nghị, ở phía hạ lưu của mương thoát nước trên tuyến ĐT.267, một hộ khác giáp ranh với đất của gia đình ông Cảnh là gia đình ông Trịnh Thế Công cũng đã lấp đất lên phần ranh giới mương thủy lợi.
Ông Trịnh Thế Công, ở xóm Tân Đức, xã Thịnh Đức, cam kết sẽ múc phần đất gia đình lấn chiếm để trả lại hiện trạng ban đầu của mương thủy lợi. |
Trước đây, gia đình ông Ngô Ngọc Cảnh có 2 thửa đất số 30 và 31, tờ bản đồ số 3, với tổng diện tích trên 750m2, là đất trồng lúa. 2 thửa đất này cách tuyến ĐT.267 một thửa đất khác (thửa đất số 28 - giáp ĐT.267, của gia đình ông Dương Văn Thái).
Về sau, ông Cảnh đã đổi thửa đất số 31 (diện tích 432m2, loại đất lúa) của mình lấy thửa số 28 (diện tích 256m2, loại đất trồng cây hằng năm ) của gia đình ông Thái và tiến hành xây dựng các công trình như đã nêu ở trên.
Ngoài ra, để mở rộng diện tích mặt tiền của thửa đất, ông Cảnh đã đổi thửa đất số 29 (chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) do gia đình ông Trịnh Thế Công quản lý. Theo đó, gia đình ông Công được phép lấy một phần đất thuộc các thửa số 30, 31 của gia đình ông Cảnh để đất vuông vắn hơn.
Như vậy, có thể nói ngoài ngôi nhà tạm, gia đình ông Cảnh còn xây dựng trái phép một số công trình khác trên hệ thống mương thoát nước của tuyến ĐT.267; tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Hoàng Văn Thêm, Phó Chủ tịch UBND xã Thịnh Đức, cho biết: Những phản ánh của người dân là có cơ sở. Chính vì vậy, sau khi yêu cầu gia đình ông Cảnh tháo dỡ công trình nhà tạm trái phép, địa phương đã tiến hành kiểm tra, xác định mốc giới các thửa đất giáp ranh với mương thủy lợi; đồng thời thông báo tới từng hộ dân liên quan phải tháo dỡ các công trình vi phạm, hoàn trả hiện trạng mương thủy lợi như trước đây, thời gian thực hiện xong trước ngày 10/9/2023. Tuy nhiên, đến thời điểm này các hộ dân đều chưa thực hiện. Chúng tôi sẽ tiếp tục ra thông báo, hộ nào không chấp hành sẽ xử lý theo quy định của pháp luật...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin